Đây là báo cáo WWR lần thứ 12 do ngân hàng Mỹ Merrill Lynch và hãng tư vấn tài chính quốc tế Capgemini thực hiện. Theo báo cáo này, tổng tài sản của các triệu phú trên toàn thế giới tăng lên gần 41 nghìn tỷ USD (tương đương 9%), thấp hơn so với mức tăng 11,4% vào năm 2006.
Trong năm 2007, khi thế giới bắt đầu phải đối mặt với lạm phát và suy giảm kinh tế, câu lạc bộ triệu phú thế giới lại đón nhận thêm 600.000 người gia nhập. Điều đó khiến nhiều chuyên gia kinh tế hết sức ngạc nhiên. Thực ra, con số tăng thêm năm 2007 chỉ là 6%, trong khi năm 2006 tăng tới 8,3%.
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian tới, báo cáo dự báo tổng tài sản của câu lạc bộ triệu phú thế giới sẽ có mức tăng trung bình 7,7% mỗi năm và đạt 60 nghìn tỷ USD năm 2012.
Theo báo cáo, nhóm siêu giàu (có tài sản ít nhất 30 triệu USD) càng giàu hơn. Có 103.000 người siêu giàu trên toàn thế giới năm 2007, tăng 9%. Tổng tài sản của nhóm này cũng tăng gần 15%.
Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách các nền kinh tế có nhiều triệu phú nhất với 3,03 triệu người. Nhật Bản đứng thứ 2 với 1,5 triệu người. Đức với 826.200 triệu phú và có nguy cơ bị Trung Quốc vượt qua trong vài năm tới.
Số triệu phú ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh gộp lại chỉ chiếm 1/10. Giá dầu và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng vọt đã giúp tài sản của các triệu phú Mỹ Latinh tăng thêm 20,4% giá trị; Trung Đông với 17,5% và châu Phi với 14,9%.
Giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán sụt giảm khiến số lượng triệu phú ở châu Á – Thái Bình Dương chỉ tăng 8,7%, nhưng vẫn cao hơn các khu vực khác. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ, số lượng triệu phú châu Á – Thái Bình Dương lên đến 2,8 triệu người.
Những nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil đứng đầu thế giới về tốc độ tăng số lượng triệu phú.
Năm 2007, số lượng triệu phú ở Ấn Độ tăng 22,7%, lên 123.000 người; Trung Quốc với 20,3%, tăng lên 415.000 người; Brazil đứng thứ ba với 19,1%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 118.000 triệu phú; Singapore 77.000 triệu phú; Indonesia 23.000 triệu phú...
Trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế và sự bấp bênh của thị trường tài chính, năm 2007, các triệu phú thế giới đã cắt giảm tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo, các triệu phú châu Á lại tiêu hoang phí hơn vào các mặt hàng và dịch vụ xa xỉ.
Ngoài ra, rất nhiều triệu phú thế giới đã chuyển hướng sự đầu tư của mình từ lĩnh vực bất động sản sang những lĩnh vực được cho là an toàn hơn như mua trái phiếu, gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Thanh Phương (theo AP)