Thông thường trẻ sau 4 tuổi mới thực sự cần tẩy giun. Ảnh: dkimages.com. |
Đem thắc mắc đi hỏi một bác sĩ gần nhà, chị được ông cho biết cô bé được tẩy giun chưa triệt để.
Bác sĩ Trần Phúc, chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện Xanh Pôn, cho biết, trẻ nhỏ ở thành phố, được ăn uống giữ gìn sạch sẽ thì thực ra không hay bị giun. Vì thế bình thường sau 4 tuổi mới nên cho các cháu uống thuốc tẩy.
Ngược lại, nếu còn rất nhỏ mà trẻ đã nhiễm giun, với các biểu hiện như hay đau bụng kèm buồn nôn, nôn ra giun, ngoáy đít...., cha mẹ không nên tự ý tẩy tại nhà, mà phải đưa trẻ đi khám, nếu cần phải xét nghiệm phân và phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
"Có những trẻ phải tẩy cả tuần mới hết, vì thế cha mẹ đừng chủ quan chỉ cho con uống một viên là đủ", bác sĩ Phúc nói.
Đau bụng giun (chủ yếu do giun đũa) có đặc điểm là đau bụng quanh rốn, đau thành cơn, có cảm giác buồn nôn và nôn, có thể nôn ra nếu chúng chui lên dạ dày, đi ngoài sống phân, phân lỏng, hoặc có thể đi ngoài ra giun.
Trẻ mắc giun lâu ngày sẽ giảm hấp thu đường tiêu hóa, còi, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể bị tắc ruột do búi giun. Khi giun chui lên đường mật sẽ gây ra đau bụng cấp. Giun chết đi tạo sỏi trong đường mật, là nguyên nhân tạo sỏi đường mật sau này. Nguy hiểm nhất là trường hợp giun chui lên ống tụy, gây viêm tụy cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Còn nếu chui lên dạ dày có thể gây đau dạ dày cấp. Một số loại giun khác trong quá trình sinh trưởng và phát triển có thể di trú lên mắt, não.
Để phòng bệnh giun, cha mẹ nên chú ý đến khâu vệ sinh ăn uống của trẻ, cho trẻ rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Luôn luôn cho trẻ ăn chín, uống sôi. Rau sống phải rửa dưới vòi nước chảy (ngay cả việc rửa bằng thuốc tím hoặc ngâm nước muối cũng chỉ có tác dụng một phần).
Với người lớn, định kỳ tẩy giun 4-6 tháng một lần. Trẻ nhỏ phải có chỉ định của bác sĩ. Những người ăn uống sạch sẽ, thì sau 6 tháng trong đường tiêu hóa sẽ không còn trứng giun nữa.
Thuận An