Ông Nguyễn Tài, Uỷ viên thường trực Hội đồng giải thưởng Loa Thành lần thứ 16, nói: "Tuy không có giải đặc biệt song năm nay số lượng đề tài về công trình hạ tầng tăng lên đáng kể và phần tính toán kinh tế được các sinh viên các ngành kỹ thuật thực hiện tốt".
Ngôi nhà như mọc ra từ những vách đá, những tấm bê tông bay bổng theo dòng nước của thác, bức tường được đẩy ra xa, kéo dài căn phòng ra thiên nhiên bên ngoài, đem lại không gian thoải mái khi thể hiện mối liên hệ hài hoà giữa cuộc sống con người - thiên nhiên - bản làng... Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia kiến trúc xây dựng khi xem đề tài "Vườn treo Sa Pa" của Trần Ngọc Huyền, Trường Đại học Kiến Trúc. Trao đổi với VnExpress, Trần Ngọc Huyền cho biết: "Rất vui khi đề tài được trao giải nhất. Tôi sẽ tiếp tục tục nghiên cứu về kiến trúc Pháp để có thể làm một đề tài khác lớn hơn tại Hà Nội".
Hơi thở nồng nàn của đất, sự sống động trong quá trình sản xuất gốm như được tái hiện trong đề án "Bảo tàng đất", đoạt giải nhất, của Phạm Hồng Việt, sinh viên trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. "Không thể quên những cảnh làng quê và chính tình yêu đó khiến tôi muốn cất lên tiếng nói của đất thông qua các sản phẩm gốm", Việt nói.
Trong số 19 giải nhì, các đồ án về công trình giao thông, công trình thuỷ và xây dựng dân dụng, công nghiệp chiếm số lượng lớn. Trong đó, đề án "Chợ âm phủ" của của Trần Kim Ngân, Trường Đại học Mở Hà Nội tạo được ấn tượng đưa con người vào một không gian mang màu sắc tưởng niệm, khai thác yếu tố lịch sử song không quên cảnh quan môi trường và yếu tố thương mại dịch vụ. Các giải thưởng khác được trao chủ yếu do có ý tưởng sáng tạo, song chưa đủ độ chín về tính khoa học và thực tiễn áp dụng.
Giải thưởng Loa Thành được tổ chức hằng năm. Cuộc thi do Tổng hội xây dựng Việt Nam, Hội kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Phương Vũ