Công nghệ thông tin là một trong những mũi nhọn được ưu tiên phát triển. |
Đó là ý kiến của các đại biểu đối với dự luật Công nghệ cao được đưa ra góp ý lần đầu tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Giải thích về sự cần thiết phải có Luật công nghệ cao, Bộ trưởng bộ Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong khẳng định, chỉ có phát triển công nghệ cao mới tạo được những bước nhảy vọt về kinh tế, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Việt Nam hiện chưa sở hữu được bất kỳ công nghệ cốt lõi nào mà chỉ làm chủ được một công đoạn, yếu tố nào đó. Chúng ta thiếu vốn để tiếp cận với các nguồn công nghệ cao mình cần, hoặc mua được rồi thì không đủ năng lực khai thác tối đa.
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí rằng Việt Nam cần có Luật công nghệ cao bởi các văn bản pháp luật hiện có về lĩnh vực này chưa đủ mạnh để tạo ra sự bứt phá. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) lại nêu vấn đề: Trên thế giới hiện chỉ vài nước có Luật công nghệ cao, Việt Nam lại chưa phải là nước có trình độ công nghệ thuộc hàng tiên tiến: “Vậy luật của chúng ta ra đời đã tính tới tính thực tiễn chưa? Nhiều nước như Anh, Mỹ không có luật này mà họ vẫn phát triển, vấn đề này được lý giải ra sao?”.
Theo dự thảo luật, Nhà nước sẽ huy động mọi nguồn lực để ưu tiên đầu tư cho công nghệ cao. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, nên tránh đầu tư dàn trải vì sẽ tốn kém và ít hiệu quả. "Chúng ta hình dung 64 tỉnh thành, nơi nào cũng có khu công nghệ cao thì sẽ rất khó để đầu tư có hiệu quả" - đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) nói.
Theo đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi), Việt Nam nên học tập các nước, đầu tư có trọng điểm. Chẳng hạn, Trung Quốc 10 năm qua đã tập trung vào phát triển con chíp điện tử, từ chỗ kém lĩnh vực này đã phát triển vượt bậc và ứng dụng rất sâu rộng.
Dự luật công nghệ cao xác định 8 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư phát triển, gồm: Thông tin - truyền thông, sinh học- y học, tự động hoá, vật liệu mới, khai thác biển, hàng không - vũ trụ, năng lượng mới - năng lượng nguyên tử, môi trường. |
Cảnh giác với tình trạng nhập công nghệ hoặc sản phẩm kém chất lượng cũng là điều các đại biểu lo lắng. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh), nói: "Cần xác định rõ tiêu chí khi xác định các lĩnh vực ưu tiên. Phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại ở thời điểm bắt đầu đầu tư, tránh việc nhập những công nghệ lạc hậu, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ của thế giới".
Cùng mối quan tâm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Nhiên (Đồng Tháp) nói: "Có đơn vị nhập sản phẩm công nghệ cao là một giống cây từ Indonesia, trong có mầm bệnh bọ xít, mầm bệnh này gây hại cho dừa và một số loại cây khác ở Việt Nam". Do đó, theo ông Nhiên, cần kiểm soát chặt những công nghệ và sản phẩm công nghệ cao nhập vào, tránh tình trạng quá đát, kém chất lượng.
Theo dự luật, các hoạt động phát triển công nghệ cao từ đào tạo, nghiên cứu đến ứng dụng đều được Nhà nước ưu đãi lớn như giảm thuế, giao đất không thu tiền, hỗ trợ kinh phí đào tạo và nghiên cứu... Theo ông Nguyễn Đăng Vang, đại biểu Bình Định, để tránh lạm dụng, luật cần nêu rõ những sản phẩm và doanh nghiệp công nghệ cao được ưu đãi, xác định được bằng các quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng bên cạnh sự ưu đãi, nếu có những chế tài và quy định chặt chẽ về trách nhiệm để tránh lạm dụng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hải Hà