Tại Tương Dương, trời tiếp tục mưa, khiến những dòng nước đỏ ngầu nhỏ như con rắn đỏ vắt vẻo luồn từ đỉnh núi xuống. Sương mù bao phủ. Lực lượng công binh đã vận chuyển mìn lên đỉnh núi để phá tan tảng đá lớn, dùng máy xúc thông lối để đưa máy khoan lên cao. Đồng thời, đo đạc lại toàn bộ hiện trường để xác định khối lượng đất đá, lập kế hoạch chi tiết.
![]() |
Chiếc xe chở công nhân Vũ Văn Thủy, người đã may mắn sống sót. Ảnh: Nguyễn Phan |
Lực lượng cứu hộ, cứu trợ huy động lên công trường hàng trăm công nhân, bộ đội, công an, dân quân và thanh niên cùng hàng chục máy xúc, ủi.... Mỗi ngày, các công nhân nổ khoảng 400 kg thuốc trên ngọn núi D3. Tuy nhiên, công việc đang gặp khó khăn do lượng đất đá sụt xuống quá nhiều, gần một triệu m3.
Đến chiều, đã có 9 công nhân được tìm thấy. Theo lực lượng cứu hộ, công việc tìm kiếm có thể lên đến hàng tháng. Một số nạn nhân đang bị vùi lấp sâu 50-60 mét.
Gương mặt bơ phờ sau một đêm mất ngủ, Nguyễn Văn Dũng, công nhân Công ty Sông Đà 2 cho biết, 2h sáng, từ cao độ 500, một tiếng soạt kéo theo những phiến đá lớn, lở xuống. "May mắn là anh em đã cảnh giác nên không có ai bị thương. Hiện tại, mỏm núi phía sau có một vết nứt rộng khoảng 3 mét, dài hàng trăm mét nghiêng về hiện trường, rất nguy hiểm cho lực lượng cứu nạn", ông Dũng nói.
Mỗi khi tìm thấy thi thể mới, nhiều công nhân cứu hộ lại rơi nước mắt. Ông Đào Duy Tân, Trưởng ban quản lý thuỷ điện Bản Vẽ tâm tư: "Những người xấu số lấy được xác ra cũng chẳng còn lành lặn. Xác nào tìm được, chúng tôi sẽ cho tắm rửa sạch sẽ tổ chức lễ truy điệu và đưa thi hài về quê một cách nhanh nhất".
![]() |
Đưa xác nạn nhân khỏi hiện trường. Ảnh: Nguyễn Phan |
Trong cuộc giao ban ngắn nơi công trường, hôm nay, Ban chỉ đạo cứu hộ đưa ra quan điểm, bằng mọi giá phải lấy được thi thể công nhân bị nạn. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, không để xảy ra thêm tai nạn thứ cấp.
Nỗi đau mất người thân
Hòa trong tiếng máy xúc ủi, khoan đá một tiếng gào khóc như xé toang cánh rừng Bản Vẽ. Chị Phạm Thị Nhâm, chị dâu của nạn nhân Lương Văn Tân (chưa tìm thấy xác) tức tưởi: "Hôm trước chú ấy mới gọi điện thoại bảo Tết này em vào thăm chị (chị Nhâm đi bộ đội tại Quảng Bình). Nghe tin chú ấy mất tôi báo tin về gia đình, mẹ ngất phải đi cấp cứu, bố già chẳng thể đi lại, nhà lại neo người tôi phải ra đây để thay bố mẹ chờ đợi chú ấy". Nói chưa xong, chị gào khóc thê thảm khiến cho một người dìu chị cũng bị quật ngã.
Cùng chung cảnh tang thương ấy, ông Lê Công Doanh quê Lý Nhân, (Hà Nam) xấp xỉ tuổi 50 nhưng trông già sọm, thân hình mỏng manh như cây lau rừng. Nhìn thấy xác con mình được đưa từ đống đổ nát, ông gào lên đau đớn. Bên dòng Nậm Nơn, dòng nước xoáy cuồn cuộn nhưng không thể thắng nổi tiếng khóc của ông.
Lê Công Tú, 21 tuổi là con út trong gia đình có 4 anh em. Tú học ngành trắc địa vừa mới ra trường chưa được một năm, rồi lên đây làm cho thuỷ điện Bản Vẽ. Ông Doanh cho biết thêm, nghe tin dữ ông đã phải bán 5 tạ thóc lấy tiền vào đây để đưa xác con về. Tú may mắn được đội cứu hộ đưa ra sớm, nếu để ít ngày nữa, không biết ông Doanh sẽ xoay xở thế nào. Gia đình ông Doanh làm nghề ruộng, ngoài mấy sào lúa chẳng có thu nhập gì thêm, thóc trong bồ đã cạn, đói vẫn hoàn đói.
![]() |
Những giọt nước mắt mất người thân. Ảnh: Nguyễn Phan |
Nạn nhân Vũ Văn Mười quê Nam Định cưới vợ muộn mằn ở tuổi 40, đứa con trai đầu lòng chết cách hôm anh mất 3 tháng. Người vợ yếu oặt như quả chuối chín chưa đoạn tang con nay quàng thêm chiếc khăn tang chồng. Xác anh Mười vẫn còn trong đống đỏ nát.
Hoàng Anh Vũ quê Hoà Bình cưới vợ đúng trọn 25 ngày, vừa về với vợ đêm hôm trước, lúc chia tay, anh bịn rịn hứa: "Tết này anh mang quà về cho em, lúc đó nếu suôn sẻ em đã có thai được 3 tháng nhỉ". Nhưng những lời nói tâm sự ấy bây giờ Vũ đang mang về thế giới bên kia để lại người vợ mới cưới vật vã trong tuyệt vọng.
Những nạn nhân tại công trường Bản vẽ phần lớn xuất thân nông dân chân chất, cuộc sống khó khăn. Gia đình họ đang chờ mong những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ.
Nhóm phóng viên