Là một kỹ sư phần mềm, không xuất phát từ ngành y tế, nhưng qua những chuyến đi thiện nguyện ở Tây Nguyên và các khu vực lân cận, tôi nhận ra sự chênh lệch rõ rệt giữa sự phát triển của công nghệ và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Dù các thiết bị di dộng thông minh đã trở nên phổ biến, nhưng đối với các dịch vụ y tế hiện đại vẫn còn là điều xa vời đối với nhiều người dân nơi đây. Chính từ sự chênh lệch này, tôi nảy ra một ý tưởng đơn giản: tận dụng công nghệ sẵn có để mang lại giải pháp chăm sóc sức khỏe cho những vùng còn thiếu thốn, khó khăn.
Mục tiêu của tôi là xây dựng VNSmartHealth - một ứng dụng di động giúp người dân tự theo dõi triệu chứng cơ bản, nhận phản hồi nhanh để biết nên xử lý ra sao: tự theo dõi tại nhà hay đến cơ sở y tế. Tôi không cạnh tranh với các nền tảng lớn mà tập trung giải quyết một bài toán cụ thể: đưa hỗ trợ y tế cơ bản đến những người ít có cơ hội tiếp cận nhất. Đây không phải dự án thương mại, mà là mong muốn tạo ra một sản phẩm công nghệ phục vụ cộng đồng. Tôi tin rằng công nghệ không thể thay thế bác sĩ, nhưng nó có thể là công cụ hữu ích giúp người dân phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Vật lộn với kiến thức mới và tạo kỷ luật "thép" cho bản thân
Khi bắt tay vào thực hiện, tôi gặp phải một thử thách to lớn: cả kiến thức về mặt y khoa lẫn Trí tuệ nhân tạo (AI) đều gần như là con số không. Mỗi ngày sau giờ làm, tôi lao vào tự học qua các khóa học trực tuyến của Andrew Ng, đọc sách y khoa, và nghiên cứu các quy định pháp lý liên quan. Cảm giác như đang học hai ngành nghề hoàn toàn mới. Những đêm thức trắng, miệt mài với lý thuyết và các bài toán thực tiễn, dần dần giúp tôi nhận ra những điều mình chưa từng nghĩ tới. Mỗi khi giải mã được một thuật ngữ khó hay thành công với một mô hình thử nghiệm, đó là một chiến thắng nhỏ, nhưng lại mang đậm ý nghĩa và động lực cho tôi.
Dự án được thực hiện hoàn toàn ngoài giờ làm hành chính, đòi hỏi tôi phải có một kỷ luật "thép". Tôi lên kế hoạch chi tiết cho từng ngày, chia nhỏ công việc vào một cuốn sổ tay. Hầu hết các buổi tối và cuối tuần đều dành cho VNSmartHealth. Giữa những giờ làm việc miệt mài, những phút nghỉ ngơi ngắn với một bản nhạc hay một ngụm nước ngọt giúp tôi nạp lại năng lượng. Thói quen làm việc có kế hoạch, có nhịp điệu đã giúp tôi không lạc lối và duy trì động lực một cách bền bỉ.
Hành trình của những bước đi đầu tiên
Thử thách lớn nhất có lẽ là làm việc một mình. Không có đồng đội để trao đổi, những đêm dài chỉ còn tiếng gõ phím và suy tư. Đã có lúc tôi gần như gục ngã, đặc biệt khi mô hình AI nhận diện gãy xương đầu tiên chỉ đạt độ chính xác 20-30%. Những lúc bế tắc, tôi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng rồi hình ảnh người dân vùng cao vất vả đi khám bệnh, niềm vui nho nhỏ khi hoàn thành một tính năng mới, cùng sự động viên thầm lặng của vợ qua một ly cà phê hay câu nói đùa, đã trở thành điểm tựa vững chắc, tiếp sức giúp tôi bước tiếp.
Từ ý tưởng đến bản thử nghiệm
Tôi bắt đầu bằng việc thu thập dữ liệu y tế công khai và liên hệ với bạn bè, người quen trong ngành y tế để có thêm nguồn dữ liệu thực tế và đã được ẩn danh. Từ đó, tôi xây dựng các mô hình AI như:
- Phân tích triệu chứng: Sử dụng các mô hình ngôn ngữ như MedBERT, BiLSTM-CRF để phân tích mô tả bệnh từ văn bản hoặc giọng nói.
- Phân tích hình ảnh: Dùng các mạng học sâu như DenseNet, RetinaNet, U-Net++ để phát hiện bất thường trên ảnh X-quang, CT, ảnh chụp da.
- Dự đoán bệnh lý: Áp dụng XGBoost, LightGBM để dự đoán nguy cơ mắc bệnh mãn tính và dùng Federated Learning để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Tôi đặc biệt chú trọng thiết kế giao diện đơn giản với chữ to rõ, icon dễ hiểu, tích hợp nhập liệu bằng giọng nói và tối ưu để ứng dụng có thể chạy offline trên các máy cấu hình thấp. Sau khi có bản thử nghiệm đầu tiên, tôi nhờ người thân, bạn bè dùng thử. Những góp ý quý giá như "chữ nhỏ quá", "biểu tượng khó hiểu", "nên dùng giọng nói để mô tả triệu chứng" đã giúp tôi cải tiến sản phẩm rất nhiều.
Tôi liên tục tinh chỉnh giao diện, đơn giản hóa việc nhập liệu, thậm chí nghĩ đến việc hỗ trợ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. May mắn thay, tôi nhận được sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế tại địa phương và đặc biệt là người em đang học tại Đại học Y Dược Cần Thơ, người đã giúp kết nối để có thêm dữ liệu X-quang, siêu âm, xét nghiệm thực tế. Đằng sau mỗi tệp dữ liệu là một con người, điều đó càng làm tôi nhận thức rõ hơn ý nghĩa công việc mình đang làm. Dần dần, VNSmartHealth đã hình thành các chức năng cốt lõi: chẩn đoán sơ bộ, lưu trữ lịch sử y tế, nhắc nhở sức khỏe và hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất.
Khó khăn và nguồn lực phát triển
Hành trình này không hề dễ dàng. Tôi đối mặt với tình trạng khan hiếm dữ liệu y tế đặc thù của người Việt, hạn chế về phần cứng (phải thuê dịch vụ đám mây), và thách thức trong việc đảm bảo ứng dụng tương thích với các dòng điện thoại giá rẻ. Khó khăn lớn nhất về mặt tâm lý là nỗi lo thường trực về sự an toàn cho người dùng mỗi khi mô hình đưa ra kết quả chưa chính xác.
Tuy nhiên, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ cộng đồng mã nguồn mở trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo trên các nền tảng như Facebook, Discord. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ nhiệt tình từ bạn bè, đồng nghiệp cho mượn server, cùng với sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế địa phương trong việc cung cấp thiết bị đo lường và dữ liệu y tế, đây chính là những nguồn lực quý giá đã giúp tôi vượt qua mọi thử thách, tiếp thêm động lực để không ngừng phát triển các mô hình AI.
Hành trình vẫn còn dài ở phía trước
Tôi biết chặng đường của VNSmartHealth vẫn còn dài. Tôi kỳ vọng ứng dụng sẽ giúp người dân phát hiện sớm bệnh tật, ngăn chặn các ca cấp cứu do đến viện muộn, từ đó giảm bớt gánh nặng chi phí và lo lắng cho xã hội. Trong tương lai, tôi muốn mở rộng VNSmartHealth thành một công cụ giáo dục sức khỏe, kết nối chặt chẽ với bác sĩ để nâng cao độ chính xác, bổ sung tính năng cảnh báo dịch bệnh theo mùa và có thể mở rộng ra các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có điều kiện tương tự Việt Nam.
Dù chỉ là một cá nhân nhỏ bé, tôi hy vọng có thể dùng kỹ năng của mình để tạo ra giá trị thiết thực nhất cho cộng đồng, cho xã hội. Công nghệ suy cho cùng chỉ là công cụ, giá trị thực sự nằm ở cách chúng ta dùng nó để giúp đỡ con người. Đó là niềm vui và ý nghĩa lớn nhất thôi thúc tôi bước tiếp trên hành trình này.