Chút nói dối đó cũng không phải là vô hại như mọi người vẫn tưởng. Các bác sĩ cho biết nó có thể dẫn tới những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có việc chẩn đoán nhầm. Theo tiến sĩ Particia Allen, đôi khi phần bạn "giấu đi" đó lại chính là những gì các bác sĩ mong đợi. "Những vấn đề được lưu tâm nhất bao gồm cả lối sống và các loại thuốc, loại rượu mà bệnh nhân đã sử dụng. Rất nhiều loại thuốc mà bạn đã và đang dùng có thể ảnh hưởng đến đơn thuốc mà bác sĩ muốn kê cho bạn", bà nói. Các hộ lý Audra Giard và Jennifer Ensminger đều từng được nghe những lời nói dối như vậy, kiểu như: "Vâng, chị biết đấy, tôi chẳng bao giờ bị bệnh lây qua đường tình dục. Tôi chưa bao giờ phá thai". Cả hai cô đều đồng ý rằng nhiều bệnh nhân đang nói dối chỉ để giữ thể diện. Tiến sĩ Allen cho biết nhiều đấng mày râu cũng không thông báo về hiện tượng khó thở khi ngủ hoặc các cơn đau ngực, bởi họ không muốn "bị chẩn đoán mắc một vài dạng bệnh nghiêm trọng nào đó". Hoặc giả họ nói dối vì lý do tài chính. "Đôi khi chúng ta xấu hổ không dám thừa nhận rằng mình không đủ tiền để chi trả các hóa đơn thuốc", tiến sĩ Marie Savard nói. Nhưng thay vì nói cho bác sĩ, nhiều bệnh nhân lại tự kê đơn cho mình. Savard cho biết một số bệnh nhân uống thuốc - được chỉ định dùng liên tiếp qua các ngày - thành cách ngày một lần, để tiết kiệm tiền. Hậu quả là, bác sĩ sẽ hiểu nhầm tác dụng của thuốc và sẽ kê đơn nặng thêm, có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. "Điều cần nhớ là hãy thoải mái nói với bác sĩ rằng 'tôi không có đủ tiền để trả theo đơn này. Bác sĩ sẽ có các lựa chọn khác. Nhưng nếu bạn không nói cho họ biết đó là khó khăn của bạn, họ sẽ không biết". T. An (theo DailyMail) |