Đây là kết quả thăm dò về những xu thế đang nổi lên của thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn PricewaterhouseCoopers và Hiệp hội Đô thị Mỹ. Báo cáo đã đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về đầu tư và phát triển của thị trường bất động sản trong một năm tới.
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Pricewaterhouse Coopers |
Để có được vị trí xếp hạng này, báo cáo dựa trên các phân khúc thị trường như khách sạn, văn phòng, bán lẻ, nhà ở... Trong đó, mảng văn phòng, bán lẻ, nhà ở, TP HCM giữ vị trí đứng đầu của bảng xếp hạng vì có sức mua lớn. Cụ thể, tại phân khúc văn phòng, TP HCM dẫn đầu với lượng mua 49%, giữ lại 28,6% và lượng bán đi là 22,5%. Sát ngay vị trí phía sau là Tokyo với lượng mua 46,7%, giữ lại 43,3% và lượng bán đi chỉ chiếm 10%.
Tại phân khúc bán lẻ, các thành phố trong khu vực đưa ra những chiến lược có phần dè dặt hơn. Tuy nhiên, TP HCM vẫn giữ được vị trí đứng đầu. Vị trí thứ hai thuộc về Mumbai (Ấn Độ) và Thượng Hải (Trung Quốc) nằm ở vị trí thứ ba. Xếp hạng cuối cùng là thành phố Auckland (New Zealand).
Về phân khúc nhà ở, TP HCM cũng vượt qua Mumbai và Bangalore (Ấn Độ) để vươn lên vị trí dẫn đầu. Riêng thị trường khách sạn, TP HCM chỉ đứng ở vị trí thứ ba, sau Mumbai và Bangalore.
Theo các chuyên gia phân tích, lượng mua vào bất động sản càng lớn sẽ khiến lượng hàng hóa rao bán và tồn lại ngày càng ít. Điều này đã cho thấy các nhà đầu tư rất cẩn trọng để tìm thị trường khả thi trước khi đầu tư thu lợi.
Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản châu Á gần như chưa chịu sự tác động nhiều của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nên đây vẫn là một nơi hút vốn các nhà đầu tư. Đặc biệt, TP HCM của Việt Nam vẫn là nơi lý tưởng để các nhà đầu tư rót vốn.
Hoàng Lan