Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Y tế Dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga cho biết, việc loại TP HCM khỏi danh sách địa phương có dịch được căn cứ theo Cẩm nang hướng dẫn phòng chống bệnh tả của Bộ Y tế.
"Ngoài điều kiện 15 ngày không có ca bệnh mới thì nguồn nước, môi trường và cả những người thân của bệnh nhân cũng phải được đảm bảo không mang phẩy khuẩn tả", ông Nga nói.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM chiều ngày 21/4, kết quả xét nghiệm các mẫu nước, mẫu thực phẩm được lấy từ khu vực sinh sống của bệnh nhân mắc tả tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức và lấy ngẫu nhiên tại các quán ăn, nhà hàng ở những khu vực có nguy cơ cao đều không phát hiện có vi khuẩn này.
Mẫu nước cống khu vực chảy ra từ các cầu tiêu hộ gia đình gần khu vực nhà bệnh nhân tả đầu tiên đều cho kết quả âm tính. Kết quả soi phân của bệnh nhân cũng như những người có tiếp xúc cũng vậy.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP HCM, cho biết, dù đã khống chế được dịch bệnh nhưng sở vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát tình hình vì các địa phương ở phía Bắc vẫn còn các ca mắc bệnh tả và dịch bệnh có thể xâm nhập, lây lan vào.
Còn theo Cục trưởng Nguyễn Huy Nga, điều này là hết sức cần thiết vì quy định chống bệnh tả đã nêu rõ, việc chấm dứt bệnh tại địa phương chỉ xét trên tiêu chí khoa học, công tác giám sát vẫn phải được tiến hành chặt chẽ, thậm chí việc giám sát phải kéo dài đến 3 năm.
Ngày 6/4, TP HCM phát hiện ca tả đầu tiên. Bệnh nhân là cụ Nguyễn Thị Mơi, 71 tuổi, sống tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, tiêu chảy ồ ạt phải nhập viện. Nguyên nhân lây bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể.
Kết quả xét nghiệm phân của những người thân của bà Mơi, còn cho thấy, chị Nguyễn Thị Nghiêm, con gái của bà Mơi mang trùng phẩy khuẩn tả, tuy nhiên chị hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau hai ca trên, Sở Y tế TP HCM đã phun xịt khử khuẩn toàn khu vực và thường xuyên lấy mẫu nước, thức ăn ngẫu nhiên để xét nghiệm phẩy khuẩn tả nhưng kết quả đều âm tính.
Thiên Chương