Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hội nghị tổng kết công tác an toàn giao thông toàn quốc năm 2011 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Hiện, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng ngày một tăng, số người chết và người bị thương không giảm. Tình trạng ùn tắc tại các đô thị lớn và tuyến quốc lộ thường xuyên xảy ra.
TP HCM phải trình Chính phủ phương án đổi giờ trước 20/11 tới. Ảnh: H.C. |
Để giảm ùn tắc giao thông, Phó thủ tướng giao UBND TP HCM hoàn thành việc xây dựng phương án đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn, báo cáo Chính phủ trước 20/11. Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp do Phó thủ tướng chủ trì và tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan để UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM báo cáo phương án đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đã trình Chính phủ phương án đổi giờ học, giờ làm việc ở thủ đô. Theo phương án của Hà Nội, việc đổi giờ sẽ chỉ diễn ra ở 10 quận và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm.
Thành phố chia làm 3 nhóm phải điều chỉnh: Nhóm một gồm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan trung ương và Hà Nội, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, giờ học và giờ làm gần như được giữ nguyên. Nhóm hai, học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, buổi sáng học trước 7h kết thúc sau 18h đối với ca chiều. Nhóm ba là trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị mở cửa từ 9h sáng và đóng cửa sau 19h.
Trong khi đó, phương án của Bộ Giao thông có điểm khác biệt là áp dụng trên toàn thành phố; giờ làm của công chức cơ quan trung ương ca sáng 9h-12h, ca chiều 13h-18h; công chức Hà Nội làm ca sáng 8h30-12h, ca chiều 13h-17h30...
Nguyễn Hưng