Trong các loại giấy tờ nhà đất, "giấy trắng" là các loại văn tự không phải sổ đỏ hay hồng nhưng vẫn được xem là có giá trị pháp lý để giao dịch như bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản, văn tự mua bán, chuyển dịch quyền sở hữu nhà do chính quyền chế độ cũ thị thực hoặc chứng nhận, đã đóng thuế trước bạ; giấy phép mua bán, giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp...
Trao đổi với VnExpress, Quyền giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Đào Anh Kiệt nhấn mạnh: "Không nên chọn thời gian quá gần để chấm dứt giao dịch bằng giấy trắng, sẽ gây khó cho dân".
Quan điểm của lãnh đạo Sở Tài nguyên thành phố, sớm hay muộn cũng phải thống nhất tính pháp lý của các loại giấy tờ nhà đất cho dễ quản lý. Vấn đề là thời hạn đó không nên quá sát, mà cần có lộ trình thích hợp để người dân chuyển đổi giấy tờ nhà đất.
![]() |
Người dân nộp hồ sơ nhà đất. Ảnh: Phan Anh. |
Nghị định 84 Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2008, "giấy trắng" sẽ không được giao dịch, thế chấp. Muốn giao dịch, người dân phải cấp đổi sang giấy đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà).
Cách đây một năm, hiệu lực giao dịch của giấy trắng cũng đã được gia hạn thêm, từ ngày 1/1/2007 thành 1/1/2008. Bên cạnh quan điểm gia hạn thêm thời gian cấp đổi "giấy trắng", nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên cấp đổi giấy tờ nhà đất theo nhu cầu. "Giấy trắng" nên giữ nguyên giá trị như các loại giấy tờ khác chứng nhận chủ quyền của người dân đối với nhà đất. Tùy nhu cầu của dân muốn thay đổi, không bắt buộc.
Ghi nhận của VnExpress tuần cuối cùng hết hạn giao dịch "giấy trắng", các phòng tiếp nhận hồ sơ nhà đất của các quận huyện trên địa bàn thành phố lượng khách đến làm thủ tục nhiều hơn bình thường.
Không xảy ra hiện tượng quá tải nộp hồ sơ so với dự đoán, song lượng khách đến làm thủ tục tại phòng tiếp nhận hồ sơ của quận Gò Vấp tuần này tăng khoảng 5% so 7 ngày trước. Thống kê trong tuần của Văn phòng tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy chủ quyền quận Gò Vấp, 220 hồ sơ đã được nộp, tăng 10 so tuần trước. Hồ sơ có liên quan đến "giấy trắng" tỷ lệ ít.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, ông Trương Văn Non cho biết: "Từ hai tuần nay, tôi theo dõi tình hình giao nhận hồ sơ nhà đất rất sát vì lo ngại ngày giấy trắng hết thời hạn đang gần kề. Rất may là không xảy ra ùn tắc làm thủ tục".
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền quận Gò Vấp cho rằng, người dân không đổ xô đi chuyển đổi "giấy trắng" sang "giấy hồng", "giấy đỏ" là do chưa bám sát tình hình. Khi có nhu cầu giao dịch, người dân mới chuyển đổi. Con số này hằng năm chiếm khoảng 20% trên tổng lượng hồ sơ nhà đất có nhu cầu cấp đổi.
Lãnh đạo quận Gò Vấp cho rằng, sẽ có nhiều quận huyện cùng kiến nghị gia hạn "giấy trắng" để giải quyết thỏa đáng cho người dân. Gò Vấp là quận có lịch sử nhiều dân nghèo, nhập cư và tình trạng giấy tờ nhà đất chưa hoàn chỉnh hợp lệ rất nhiều.
Đại diện các phòng công chứng trên địa bàn thành phố cũng khẳng định, sẽ chờ chỉ đạo mới từ các Bộ, Sở ngành liên quan để quyết định việc công chứng "giấy trắng" từ sau ngày 1/1/2008.
Điều 66 Nghị định 84 quy định: 1. Từ 1/1/2008, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 2. Trường hợp trước 1/11/2007, người sử dụng đất đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai; thì vẫn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. |
Ái Lê