Chủ trương được HĐND TP HCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng 17/4. Trong đó, có 140 trạm sửa chữa, 6 trạm xây mới. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.

Nhân viên y tế phường 3, quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, ngày 29/8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo chính quyền thành phố, các bệnh viện ngày càng quá tải, gây khó khăn, bức xúc cho người bệnh và cả cán bộ y tế. Nhất là các bệnh viện tuyến trên và số nhóm chuyên khoa. Quá tải bệnh viện là nguyên nhân dẫn đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, thời gian điều trị kéo dài.
Việc đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất cho 146 trạm y tế tuyến xã là cấp thiết, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Toàn thành phố hiện có 310 trạm y tế. Đến cuối tháng 10/2021, số lượng nhân viên y tế tại các trạm y tế hưởng lương từ quỹ tiền lương của đơn vị là 2.314 người. TP HCM là địa bàn đông dân cư, có địa bàn trên 100.000 dân nhưng trạm y tế chỉ có tối đa 10 nhân viên, bình quân một nhân viên y tế tại trạm quản lý và theo dõi sức khỏe của 10.000 dân.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ "gác cổng", nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Tuy nhiên, trước những diễn tiến Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu và cần sớm bổ sung chính sách nâng cao năng lực.
Lê Tuyết