Thứ sáu, 12/8/2022, 14:00 (GMT+7)

Chương trình Hoà nhạc Toyota dành cho khán giả yêu dòng nhạc thính phòng cổ điển trở lại Việt Nam sau hai năm gián đoạn bởi dịch Covid-19. Trong hai đêm diễn tại TP HCM và Hà Nội, Hòa nhạc Toyota 2022 có sự xuất hiện của nhạc trưởng tài ba Honna Tetsuji và nghệ sĩ Cello tài năng Phan Đỗ Phúc cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Được hãng xe Nhật Bản tổ chức thường niên từ năm 1998 đến nay, toàn bộ số tiền bán vé từ chương trình này được dùng để gây quỹ "Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam" nhằm nuôi dưỡng ước mơ, niềm đam mê âm nhạc cổ điển cho các học sinh, sinh viên trên toàn quốc.

Từ quỹ học bổng âm nhạc của Toyota Việt Nam, nhiều học sinh, sinh viên đã trưởng thành, trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng. Violin Đỗ Phương Nhi, nhận học bổng 3 năm liên tiếp từ 2012, đang là nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Nguyễn Ly Hương nhận học bổng năm 2012, 2013, từng đạt giả Nhất tại cuộc thi Quốc tế cho các nghệ sĩ sáo tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc. Ca sĩ Nguyễn Thị Bích Thùy hiện là nghệ sĩ tại Áo, nhận học bổng năm 2009...

Hòa nhạc Toyota được tổ chức nhằm mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt, giúp Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cải thiện chất lượng, tạo cơ hội phát triển cho các tài năng trẻ trong nước trau dồi kĩ năng biểu diễn. Trong hai đêm diễn tổ chức tại TP HCM (28/7) và Hà Nội (5/8), dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ cello trẻ Phan Đỗ Phúc, các nghệ sĩ tài năng kết hợp cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thể hiện 2 tác phẩm kinh điển của Nhà soạn nhạc Antonin Dvorak.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji.

"Âm nhạc cổ điển là nghệ thuật thưởng thức cho tất cả mọi người. Lần này tôi đã chọn hai trong số những tác phẩm vĩ đại nhất, hi vọng truyền tải những giá trị đẹp đến với khán thính giả tại Việt Nam", nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ trước giờ biểu diễn. "Gần 25 năm kiên trì đưa nhạc cổ điển đến với công chúng, Hòa nhạc Toyota đã in sâu những giá trị riêng biệt trong lòng người yêu nhạc cổ điển".

Cello concerto B-minor, Op.104 là tác phẩm mở màn đêm diễn. Bản Concerto có diện mạo truyền thống với kết cấu ba chương. Tông màu chính của tác phẩm đượm sự u buồn nhưng không hề vô vọng - một trong những tác phẩm sâu sắc, mang nhiều tâm tư nhất của Antonin Dvorak. Có mặt từ sớm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Hiếu (41 tuổi, phố Huế) cho biết, tác phẩm mở màn Hòa nhạc Toyota 2022 mang đến cho người nghe những chiêm nghiệm thâm thuý, tính biểu đạt đồ sộ, đôi lúc là sự phóng khoáng, bay bổng.

"Trong phần độc tấu, tác giả Dvorak đã sử dụng lý tưởng toàn bộ âm thanh mà một cây Cello có thể tạo ra. Nghệ sĩ trẻ Phan Đỗ Phúc đã truyền tải những giai điệu khoáng đạt, dòng chảy âm nhạc du dương được thực hiện gần như liên tục", ông nói. "Tôi tham dự gần như trọn vẹn các buổi biểu diễn thính phòng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng Hoà nhạc Toyota mỗi lần đều mang đến một cảm xúc khác biệt bởi ý nghĩa nhân văn của chương trình".

Lần đầu đến với Hòa nhạc Toyota, ngồi trong khán phòng Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh gia Monkey Minh bị chinh phục bởi giai điệu ấn tượng trong 2 tác phẩm của nhà soạn nhạc Antonin Dvorak. "Bản thân tôi không phải fan hâm mộ của dòng nhạc cổ điển. Tuy nhiên hai bản Concerto của nhà soạn nhạc Antonin Dvorak mang lại nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau, tại nơi khán phòng nhà hát thành phố: dạt dào và mãnh liệt", anh nói.

Phần tiếp theo, Symphony No.9 E-minor "From the New World", Op.95 là bản giao hưởng xuất sắc của Antoni Dvorak viết năm 1893, khi ông là Giám đốc Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Mỹ. Bản giao hưởng Thế giới Mới vượt xa các tác phẩm đương thời, lấy cảm hứng từ truyền thống châu Âu. Chương mở đầu của tác phẩm theo hình thức sonata, một chương largo xem lẫn những đoạn bùng nổ không ngừng. Một chương scherzo với các phần trio điền viên và chương kết đầy sôi nổi, hân hoan. Bản Giao hưởng số 9 là tác phẩm âm nhạc đặc sắc và hiếm có, thu hút người nghe bằng tiết tấu lôi cuốn, hùng hồn, đa thanh và chứa đựng những nét cân đối rõ ràng.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, kết hợp tiếng Cello truyền cảm của Phan Đỗ Phúc, tác phẩm kinh điển được tái hiện mang nét tự nhiên, lôi cuốn hấp dẫn người nghe. Sau đoạn cao trào kết thúc tác phẩm, khán thỉnh giả dành hơn 15 phút với tiếng vỗ tay rợp khán phòng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cellist trẻ Phan Đỗ Phúc không dưới ba lần vào sân khấu, rồi quay trở lại bởi tiếng tán thưởng không ngớt của công chúng yêu tiếng Cello của anh và dàn nhạc giao hưởng.

"Được đích thân nhạc trưởng Honna Tetsuji và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mời tham gia buổi hoà nhạc là vinh dự lớn với tất cả những nghệ sĩ trẻ trong nước. Đây là một trải nghiệm quý giá với bản thân Phúc khi được đứng chung sân khấu, biểu diễn bản hoà tấu Cello kinh điển của nhà soạn nhạc Drorak", Cellist Phan Đỗ Phúc nói. "Khi biết ý nghĩa của Hoà nhạc Toyota, Phúc đã rất xúc động khi toàn bộ tiền bán vé sẽ được ban tổ chức hỗ trợ, trao học bổng cho các tài năng theo đuổi đam mê âm nhạc cổ điển".

Trước khi đến với Hoà nhạc Toyota, Phan Đỗ Phúc là một trong những nghệ sĩ trẻ hàng đầu trong nước ở lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Anh từng đảm nhiệm vai trò bè trưởng Cello của các dàn nhạc danh tiếng như New York Classsical Player Orchestra, Stony Brook Symphony hay Pacific Music Festival Orchestra và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 2020, Đỗ Phúc tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ biểu diễn Cello tại Đại học Stony Brook (Mỹ), trở về Việt Nam với tư cách bè trưởng Cello của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời tại Hà Nội.

Đầu năm nay, nghệ sĩ này trở thành Nhạc trưởng đầu tiên của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam.

"Âm nhạc cổ điển mang đến năng lượng tích cực cho những người đam mê và kiên trì theo đuổi", Đỗ Phúc nói. "Những buổi hoà nhạc như Toyota Concert luôn mang đến những cơ hội may mắn dành cho những nghệ sĩ trẻ, được trau dồi kỹ năng, đưa âm nhạc "chữa lành tâm hồn" đến với khán thính giả trên toàn quốc".

Nội dung: Quang Anh - Ảnh: Toyota Việt Nam - Thiết kế: Thái Hưng.