Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido ngày 8/2 thừa nhận rằng khả năng Mỹ can thiệp quân sự là "chủ đề gây tranh cãi" nhưng nhấn mạnh ông sẽ làm "mọi điều cần thiết để cứu sống mạng người", theo AFP.
Guaido đang cố gắng đưa thực phẩm và thuốc men từ Mỹ vào Venezuela nhưng hàng viện trợ đang bị kẹt trong các nhà kho ở Colombia vì quân đội Venezuela đã chặn lối vào ở biên giới. Ông cho rằng 300.000 người có thể chết nếu nhu yếu phẩm không được đưa vào. Guaido không loại trừ khả năng chấp nhận để Mỹ can thiệp quân sự nhằm giải quyết khủng hoảng.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố không cho phép "viện trợ nhân đạo giả tạo" và cáo buộc khủng hoảng "do Washington bịa ra" để biện minh cho ý định can thiệp quân sự.
Dưới sự lãnh đạo của Maduro, nền kinh tế Venezuela suy thoái, đất nước lâm vào cảnh lạm phát phi mà và thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men. Guaido ngày 23/1 tự nhận là tổng thống để truất quyền của Maduro. Ông nhận được sự ủng hộ của khoảng 40 quốc gia, trong đó có Mỹ và 20 nước thuộc Liên minh châu Âu.
Trump ngày 3/2 không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela. Maduro khẳng định Caracas huấn luyện quân đội để "bảo vệ quê hương thiêng liêng" và đảm bảo rằng Mỹ "phải trả giá rất đắt nếu xâm lược".
Chính quyền Maduro nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và các nước như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba. Maduro cho rằng Mỹ muốn thay đổi chính quyền Venezuela vì nguồn tài nguyên dồi dào của nước này. Venezuela là nước có mỏ vàng và trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.