Ông Nguyễn Đăng Vang: "Cần đơn giản hóa thủ tục quyết toán các công trình khoa học". Ảnh: H.K. |
Ông đã trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội ngày 27.5
- Cũng là nhà khoa học, ông lý giải thế nào về việc tiền dành cho khoa học công nghệ không được sử dụng hết?
- Thứ nhất, Luật ngân sách khi áp dụng cho khoa học không phù hợp. Theo quy trình, tháng 10 năm nay mới bàn đến ngân sách dành cho khoa học của năm 2009. Khi có tiền rồi Bộ ngành và địa phương mới đặt hàng các nhà khoa học, mới tìm kiếm đề tài nghiên cứu. Thời gian này phải mất 5-6 tháng, tức là đến tháng 2-3/2009 mới hình thành một đề tài khoa học. Sau đó còn phải thuyết minh đề tài rất chi tiết, từng thếp giấy, bút mực đều được ghi chép cụ thể; rồi phải xét duyệt đề tài và phải đến tháng 6-7/2009 mới xong để chính thức bước vào nghiên cứu. Trong khi theo luật ngân sách thì tháng 12/2009 đã phải nghiệm thu đề tài thì mới quyết toán được. Với thời gian ngắn như vậy làm sao kịp?
Hằng năm Quốc hội phân bổ 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng năm 2006, tổng chi đạt thấp, chỉ bằng 80,5% dự toán.
(Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách)
Lý do thứ hai là khoản ngân sách về các địa phương để chi cho khoa học không được dùng đến.
Nguyên nhân cuối cùng là tại bản thân các nhà khoa học. Chỉ thuần túy nghiên cứu, không thạo lắm về mặt tài chính, các nhà khoa học không biết luật lệ chi tiêu tài chính thành ra luôn luôn sai. Đến lúc kiểm toán, nghiệm thu thì họ không giải trình được và công trình không được duyệt. Hệ quả tiền chi cho khoa học không dùng hết đành phải trả lại ngân sách.
- Thưa ông, tại sao Việt Nam không áp dụng như các nước là khoán trọn gói công trình khoa học?
- Thực ra ở nước ngoài cũng đòi hỏi rất chặt chẽ về chi tiêu tài chính. Họ quy định 3 tháng phải nộp báo cáo một lần. Nhưng cái khác cơ bản là ở nước ngoài thủ tục thanh quyết toán đơn giản, chỉ cần một người ký tên là được quyết toán, không yêu cầu đóng dấu như mình.
Tôi lấy ví dụ đi điều tra cơ bản về tài nguyên rừng, các nhà khoa học lên tận miền núi, vùng sâu, đi vài chục km mới đến được UBND xã, phải lấy được chữ ký của ông chủ tịch xã, thì mới quyết toán được một nội dung của đề tài và giá trị chỉ vài chục nghìn đồng. Hay mua một sản phẩm nào đó phải xác nhận rất nhiều loại giấy tờ, nhà khoa học người ta không quen. Rõ ràng cái này là không phù hợp.
- Trước những bất cập nêu trên, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đã có đề xuất gì để khắc phục?
- Ủy ban chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng mọi người đều lệ thuộc vào thời gian quyết toán theo luật ngân sách nhà nước. Để khắc phục cần sửa luật theo hướng dự toán ngân sách phải được làm trước 1 năm. Chúng tôi đã đề nghị sửa luật ngân sách nhà nước theo hướng đó, nhưng theo kế hoạch thì năm nay chưa được, nhưng sẽ sửa trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12.
Trong thời gian chưa sửa luật, tôi biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã có một bước cải tiến quan trọng là xây dựng các đề tài nghiên cứu trước, chứ không phải đợi có tiền rồi mới làm như hiện nay. Ví dụ như năm nay các chuyên gia về chiến lược nghiên cứu đã bắt đầu chuẩn bị đề tài cho năm 2009 từ cách đây 3 tháng.
- Thưa ông, có tình trạng nhiều công trình khoa học rất tốn công sức, tiền của, nhưng lại không được ứng dụng, để xếp xó. Ông nghĩ sao về việc này?
- Chúng tôi chưa bao giờ đưa ra khái niệm đề tài nghiên cứu khoa học xếp xó. Vì khi đăng trên tạp chí rồi thì đề tài sẽ được tra cứu, được lan toả, giúp nâng cao nhận thức của mọi người và có thể nó lại là nền tảng cho một đề tài hoàn thiện cao hơn.
Cũng cần phân biệt giữa nghiên cứu và ứng dụng là hai lĩnh vực khác nhau. Đưa các nghiên cứu khoa học vào sản xuất lại là cuộc vận hành khác của doanh nghiệp, đơn vị quản lý nhà nước. Nhà nước đã có chính sách khi hoàn thiện một công nghệ thì hỗ trợ 30-40%. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dựa vào đó để làm.
Các doanh nghiệp lớn thế giới đều phải làm công tác nghiên cứu, thậm chí phải đi mua kết quả nghiên cứu về ứng dụng. Còn doanh nghiệp của ta bé quá, có mấy ai đi mua công nghệ về đâu, họ luôn mua bản thân công nghệ nằm trong phương tiện là máy móc. Chính vì thế các đề tài nghiên cứu khoa học ít có cơ hội được ứng dụng trong thực tế sản xuất.
- Mục tiêu của nghiên cứu khoa học là để ứng dụng vào sản xuất và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Nếu không đáp ứng được điều đó thì việc nghiên cứu có lãng phí?
- Chúng tôi khảo sát một năm Mỹ dành 300 tỷ đôla cho khoa học thì trung bình 10 công trình có 1 công trình đưa vào sản xuất. 9 công trình kia chưa có cơ hội để hoàn thiện. Ở Việt Nam chưa có tổng kết về việc này. Nhưng tôi nói thật cả nước ta năm nay là năm dành nhiều tiền nhất cho khoa học thì mới được 400 triệu đôla. Khoản tiền đó quá ít và đúng là tiền nào của nấy.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: "Luật ngân sách hiện nay đánh đồng khoa học công nghệ với các ngành khác, trong đó có việc lập kế hoạch. Ví dụ, để thực hiện một dự án nghiên cứu, thì phải lập kế hoạch từ trước đó 1,5 năm, sau đó mới tuyển chọn, thông qua… Thời gian quá dài như vậy, nên đến khi bắt tay vào thực hiện, thì có thể dự án đó đã lỗi thời, hoặc không cần nghiên cứu nữa (vì thế giới đã tìm ra rồi)…, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Đó là chưa kể các quy định về tài chính hiện rất khuôn cứng, ví dụ không được phép thay đổi nội dung trong dự toán kinh phí nghiên cứu, muốn thay đổi cho phù hợp lại phải làm thủ tục, qua nhiều cấp rất phức tạp, mất thời gian. Việc quyết toán theo năm tài chính hiện cũng gây khó khăn lớn cho các chủ đề tài. Có đề tài mãi mới hoàn thiện các thủ tục (mua sắm đấu thầu rườm rà), đến khi vừa bắt tay vào làm thì đã lại hết năm, lại phải quyết toán, vì thế nhiều đề tài phải trả lại tiền cho ngân sách, do không thể tiêu kịp trong 1 năm". Về ý kiến " Nhiều đề tài bỏ ngăn kéo", ông Quân cho rằng: " Ngăn kéo không phải lúc nào cũng là xấu. Trong khoa học, độ rủi ro bao giờ cũng có. Ngay cả ở các nước phát triển nhất, tỷ lệ nghiên cứu áp dụng vào sản xuất được cũng chỉ dao động khoảng 20%, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Có nghiên cứu sau một thời gian dài mới áp dụng (ví dụ về chất bán dẫn, được ứng dụng sau vài thập kỷ). Nhiều nghiên cứu không thành công do lý do khách quan (ví dụ nghiên cứu giống lúa gặp dịch bệnh, thiên tai), Có nghiên cứu đích thực phải bỏ ngăn kéo, để chứng minh một vấn đề nào đó không nên tiếp tục nữa. Ngoài ra trong điều kiện ở VN, nhiều khi kinh phí đầu tư không tới ngưỡng, chỉ cần cố thêm mấy chục % nữa là có thể tới thành công, nhưng vì các quy định tài chính không thể tùy tiện nâng ngân sách cho đề tài, khiến cho đề tài, dù đã rất gần tới thành công, phải dừng lại, phải bỏ ngăn kéo. |
Hồng Khánh