Thông tin trên được ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết tại buổi khai mạc Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ ba tại Cần Thơ, ngày 14/4.
Tôm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 3,8 tỷ USD, diện tích nuôi 736.000 ha, sản lượng 900,000 tấn; tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Năm nay, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm của ngành tôm thế giới, ông Luân dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số một thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.
Ngành tôm đang được khuyến khích áp dụng công nghệ cao. Trong hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, phần lớn tập trung tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích gần 190.000 ha. Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tôm lớn ở Hậu Giang cho biết, năm nay, đơn vị cố gắng xuất khẩu tôm đạt kế hoạch hơn 640 triệu USD, tăng 10% so năm 2020.
"Cái khó là tất cả chi phí đầu vào đều tăng, khiến giá thành sản xuất tôm tăng khoảng 20%. Trong đó chi phí vận chuyển tăng 200-500%", lãnh đạo công ty này nói và cho biết đơn cử như xuất một container tôm đi châu Âu, cước vận chuyển tăng từ 1.500 USD lên đến 6.500 USD, có lúc 7.500 USD...
Hội chợ Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ ba kéo dài đến ngày 16/4 với khoảng 200 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp, tổ chức trong ngành thủy sản như sản xuất con giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, công nghệ, máy móc, thiết bị...
Hưng Lợi