Tôi 37 tuổi nhưng do dáng người nhỏ nhắn, da trắng nên có phần trẻ hơn so với tuổi. Tôi và chồng kết hôn 10 năm và có 2 con, một trai một gái, cháu lớn 8 tuổi và cháu nhỏ 4 tuổi. Tôi là giáo viên mầm non, thu nhập không cao nhưng tạm gọi là đủ để nuôi sống bản thân và chăm con nếu tằn tiện, tiết kiệm. Tôi mới được bố mẹ đẻ cho một căn nhà tập thể, diện tích hơn 30m2, bố được phân khi ông còn công tác. Nay ông bà đều nghỉ hưu, muốn về quê nên cho tôi căn nhà đó làm tài sản riêng; anh chị tôi ở quê cũng đồng ý, không ai tranh chấp hay có ý kiến gì.
Tôi sống cùng gia đình chồng từ lúc kết hôn đến nay. Nhưng hiện tại tôi rất hoang mang, lo lắng trước một tương lai đầy khó khăn, vất vả và tôi biết trước mình không có khả năng vượt qua. Chồng tôi là bệnh nhân ghép tạng, sức khỏe như ngọn đèn trước gió. Bên cạnh đó, gia đình chồng đều rất nặng gánh. Bố chồng mất, trong nhà có mẹ chồng gần 70 tuổi, một bà cô ngoài 80 và anh chồng thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động, sống cùng chúng tôi. Đứng trước gia cảnh nhà chồng quá nặng nề, vất vả, tôi hoang mang, thấy chán nản và muốn buông xuôi. Tôi xác định sức mình không đủ để gánh vác nhà chồng và muốn ly dị nhưng nhiều lần đề cập tới việc chia tay, chồng tôi đều không đồng ý.
Thời gian chung sống, có rất nhiều mâu thuẫn, bất đồng giữa mẹ chồng nàng dâu. Chồng lại nhu nhược nên tình cảm tôi dành cho anh không còn nữa. Cộng thêm gia cảnh của nhà chồng như vậy khiến tôi càng muốn chia tay chồng. Nếu ly dị, về kinh tế tôi có thể lo cho 2 con một cuộc sống ở mức trung bình, nơi ở thì đã có căn nhà ông bà ngoại cho. Tôi rất mong nhận được ý kiến tư vấn của giáo sư Vũ Gia Hiền và quý bạn đọc. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Xuân
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bạn Xuân,
Bạn lo lắng không ở phạm vi bất hạnh vợ chồng con cái, mà lo sức khỏe của chồng yếu, bố chồng mất, mẹ chồng 70 tuổi, bà cô chồng ngoài 80 tuổi và anh chồng bị thiểu năng trí tuệ. Rất tiếc là bạn không cung cấp thông tin về nguồn thu nhập bên gia đình chồng. Đây là thông tin rất quan trọng.
Bạn là giáo viên mầm non, thu nhập không cao nhưng tạm gọi là đủ. Bạn có thể chủ động với cuộc sống của mình và các con. Ngoài ra, bạn được bố mẹ đẻ cho một căn nhà tập thể, diện tích hơn 30m2. Đây là việc thứ hai để an cư lạc nghiệp.
Vấn đề của bạn là gia đình chồng quá nặng gánh, vất vả. Bạn cần tính hết các mối quan hệ bên nhà chồng xem những ai có trách nhiệm, nếu huy động toàn bộ vào lo lắng chung thì thế nào. Hoặc toàn bộ tài sản của gia đình chồng là bao nhiêu, có giảm gánh nặng của bạn không. Bạn nên bí mật thăm dò để có hướng giải quyết về kinh tế từ người thân bên chồng.
Chồng bạn hiện làm công việc gì, có lương không? Người anh chồng không có khả năng lao động và sống cùng vợ chồng bạn thì có nguồn trợ cấp nào không? Những thông tin này không có nên tôi rất khó tìm phương án cho bạn.
Trạng thái tâm lý của bạn đã bị dồn nén quá lâu, không tìm cách giải tỏa nên dẫn tới hoang mang, lo lắng và muốn chia tay chồng. Đó là do áp lực gánh nặng gia đình chồng đang đè lên vai bạn, mà bạn chỉ có khả năng "tằn tiện để nuôi con". Nếu tiếp tục sống như hiện nay bạn sẽ thế nào. Bạn cần nói rõ với chồng, bởi ở đây không chỉ đơn thuần là tình cảm, mà còn sự bảo đảm về kinh tế cho 2 con đi học.
Rất khó để nói ra, vì trong cuộc sống người ta ngại vi phạm giá trị đạo đức nếu chỉ vì lý do khó khăn mà chia tay. Nhưng thực tế, người xưa nói "có thực mới vực được đạo", nếu không có tiền để lo cho gia đình với gánh nặng như nhà bạn, lúc đó giá trị đạo đức còn tồi tệ hơn. Xét cả hai khía cạnh: bỏ đi trước khi khó khăn xảy ra để lo cho 2 con; khó khăn xảy ra và không còn cách nào cứu được cũng phải bỏ đi. Bạn thử xem có đúng trong hoàn cảnh của mình không?
Nhiều lần bạn đề cập chuyện chia tay, chồng không đồng ý cũng dễ hiểu, vì trong hoàn cảnh đó, không có ai gánh vác thì anh ta làm sao đảm đương. Đây cũng là tâm lý bình thường của con người. Nhưng bạn đã nói với chồng về vấn đề "cuối cùng" sẽ đến chưa? Bạn cần cân nhắc để nói hết với chồng, từ đó chồng bạn vì các con mà để bạn ly hôn là tốt nhất. Bởi trong hoàn cảnh của anh ta, nếu bạn không chia sẻ, sau này sẽ khó ăn nói với các con.
Nếu anh ta không đồng ý ly hôn khi bạn đã nói ra sự lo sợ về gánh nặng, mà hơn tất cả là 2 con, bạn nên tự thoát ra trước khi "thuyền đắm". Cách này vẫn được dùng trong các trường hợp bất khả kháng. Nếu đã rơi vào tình trạng này, bạn cần tế nhị, không bàn đến ly hôn nữa và nói với chồng: hiện nay bố mẹ đẻ cho em căn nhà, nếu không về ở sợ sau này có tranh chấp vì còn mấy anh chị em, mà bán thì không được. Từ lý do này bạn thuyết phục chồng đồng ý và xem đó là bước độc lập về kinh tế của bạn, rồi tính tiếp sao cho phù hợp.
Bạn về ở để giữ nhà cho các con là hợp lý. Sau khi về nhà của cha mẹ bạn, lo cho các con học hành chu đáo, lúc đó ly hôn hay không lại tính tiếp. Bên cạnh đó bạn cũng nên nói cho các con hiểu một cách đơn giản nhất và có tình có lý để sau này các cháu không trách.
Chúc bạn sáng suốt.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 0966 581 270. Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.