Malala Yousafzai từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm cô 17 tuổi. Tự truyện I am Malala của cô là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới (2013). Ấn bản tiếng Việt vừa ra mắt trong nước. Tác phẩm được xem là tuyên ngôn đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia Hồi giáo còn nhiều hà khắc và kiêng kị như Pakistan. Sách do nhà báo Mỹ Patricia McCormick chấp bút.
Malala Yousafzai kể lại hành trình tới trường bất chấp những nguy hiểm rình rập tính mạng cô. Quân Taliban tràn tới thung lũng Swat - quê hương của Malala, bắt bớ và kiểm soát mọi thứ. Phiến quân cực đoan vào từng gia đình, lấy đi các vật dụng của họ, kể cả đài radio và tivi. Chúng muốn mọi người bị cô lập, dễ bảo hơn nếu không có học vấn và khó tiếp cận với tin tức.
Những bạn gái của Malala - vốn bị bố và anh trai cấm đi học - giờ bị quân Taliban tiếp tục ngăn đến trường. Trường học, trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân. Malala viết blog cho BBC kể chi tiết về cuộc sống của cô và những người xung quanh khi quê hương bị quân cực đoan chiếm đóng. Sự dũng cảm của Malala khiến quân Taliban dọa giết cô. Bố Malala rất lo lắng cho con gái, cô gái tuổi teen vẫn lạc quan và tin mọi chuyện sẽ ổn.
Ngày 9/10/2012, Malala Yousafzai bị bắn vào đầu và cổ khi trên đường tới trường. Cô bé rơi vào trạng thái nguy kịch và được chuyển tới Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Birmingham (Anh) để điều trị. Không chỉ những người thân ở Pakistan mà cả thế giới ủng hộ "nữ chiến binh". Bố của Malala đã đặt tên con gái theo tên một nữ tướng và cô bé sống đúng như tên của mình.
Nhờ được đến trường, cuộc sống của Malala hạnh phúc hơn. Cô không chỉ đấu tranh để có được những quyền cơ bản cho mình mà còn truyền cảm hứng đến nhiều trẻ em gái ở Pakistan lẫn toàn thế giới.
Quỳnh Anh