Lê Lân hiện được xem là một "ngôi sao sáng" trong giới thư pháp TP HCM với những bức vẽ luôn đắt hàng. Ở ông còn có cái "ngông" mà không phải ai cũng làm được.
Gần đến tuổi thất thập, ông tiến sĩ từng có hai tấm bằng kỹ sư công nghệ thiết kế máy và bằng kiến trúc sư vẫn dẻo dai và tinh anh. Sang Đức làm việc và định cư sau năm 1975, hiện tại cả gia đình, con cháu của ông đều ở Đức và mang quốc tịch nước này, chỉ có ông "ngược dòng", giữ quốc tịch Việt Nam và quay về nước sinh sống. Từ năm 2000, khi phong trào thư pháp rộn lên trong nước, nhất là tại TP HCM, Lê Lân vui như "bắt được vàng" vì có dịp thể hiện sở trường và niềm đam mê.
Hàng ngày, trong căn phòng thư pháp của mình, tiến sĩ Lê Lân vẫn say mê luyện chữ. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Vốn yêu hội họa, nhất là tranh thủy mặc Trung Hoa, từ bé, ông mày mò học vẽ và tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Khoảng những năm 1970, có dịp sang Thượng Hải làm công trình sư cho một nhà máy tại thành phố này, ông theo học hai năm về nghệ thuật thư pháp trong một khóa học tại Đại học mỹ thuật Thượng Hải. Điều này giúp ông đến với thư pháp không theo cảm tính mà có phương pháp và kiến thức bài bản.
Từ năm 2002, tại TP HCM, ông tham gia CLB Thư pháp quận 1, và từng bỏ ra hàng chục triệu đồng để duy trì hoạt động của CLB, đứng ra tổ chức hàng chục cuộc triển lãm. Qua các buổi ra mắt công chúng này, vài công ty du lịch bắt đầu để ý đến những bức thư họa, thư pháp phóng khoáng và có hồn của Lê Lân.
Trên tường nhà tiến sĩ Lê Lân, mọi không gian đều được dành cho các bức thư pháp và tranh thủy mặc. Ảnh: A.V. |
Khi những tác phẩm của Lê Lân ngày càng nhiều lên, ông mua một căn nhà mái tôn, gác gỗ trong căn hẻm nhỏ trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận. Sau đó thiết kế và xây lại hoàn toàn theo thiết kế riêng của mình thành căn nhà bốn tầng đồ sộ. Ngay từ mặt tiền tầng trệt đến tầng cuối cùng ông đều thể hiện tình yêu của ông đối với chữ. Tất cả không gian ông đều dành cho các tác phẩm, chỉ để một góc nhỏ sinh hoạt cá nhân.
Trên những bức tường nhà ông treo đầy tranh, chen vào đó là những chiếc cọ dài dùng trong dịp vẽ các bức thư pháp khổng lồ. Từ cách bày trí, sắp đặt, cách sử dụng ánh nắng mặt trời chiếu sáng tòa nhà đều có dụng ý của chủ nhân, nhằm tạo một không gian thật sự để tôn vinh thư pháp. Tại mỗi tầng nhà, ông dành một bàn trà với nghiên mực, bút lông và giấy, để nếu thích, khách có thể ngồi xuống và "phóng bút".
Họa sĩ Lê Lân trong một gian phòng trưng bày tranh của mình. Ảnh: A.V. |
Vài năm nay, ngôi nhà của ông tiến sĩ trở thành địa điểm văn hóa thường xuyên được các công ty cài vào chương trình city tour dành cho khách nước ngoài đến Việt Nam. Còn các trường du lịch trong thành phố thì xem đó như một nơi thực tập thú vị và bổ ích dành cho sinh viên. Đến đây, họ được tận mắt nhìn thấy hàng trăm tác phẩm thư pháp Việt, Hoa, bộ sưu tập dụng cụ dùng trong thư pháp mà ông cất công sưu tầm trong nhiều năm, từ chiếc cọ dài 1m50 đến chiếc cọ nhỏ xíu, thanh mảnh chừng gang tay, rồi các kiểu nghiên mực cùng nhiều sách về lịch sử và kỹ thuật viết thư pháp. Những tài liệu ông sưu tầm phần nào giúp người học hiểu rằng thư pháp không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn hiện diện trong đời sống tinh thần các nước Nhật Bản, Ảrập... và còn có cả thư pháp chữ Latin.
"Bảo tàng mini" của ông Lê Lân còn dành để giảng dạy. Hiện nay có ba công ty du lịch tại TP HCM lên chương trình cho khách tham quan thành phố đều cài vào tiết mục "Thăm ngôi nhà thư pháp" và "Học thư pháp, thư họa". Sau những giờ tham quan các bảo tàng, phố sá, shopping trong không khí náo nhiệt của Sài Gòn, khách Tây có cơ hội lắng lòng bên mực tàu giấy vẽ, đắm mình trong không gian của nét chữ bay bướm, của các bức mai lan cúc trúc, dòng suối, ngôi nhà... đậm nét văn hóa Á đông.
Du khách Pháp học viết thư pháp tại nhà của tiến sĩ Lê Lân. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Với đoàn khách đi du lịch dài ngày, họ sẵn sàng bỏ ra vài tuần theo thày Lê Lân học vẽ. Đến nay, ông dạy cho hơn 100 người nước ngoài biết về nghệ thuật thư pháp Việt, Hoa và tranh thủy mặc.
"Không phải dễ lấy tiền của khách Tây, mỗi đồng họ bỏ ra đều cần được trả lại bằng nét văn hóa xứng đáng", ông Lê Lân chia sẻ kinh nghiệm. Với ông, muốn dạy người nước ngoài là phải dạy đúng, nói đúng, nói đủ. Không chỉ truyền đạt sao cho họ hiểu kỹ thuật mà còn giúp họ cảm nhận được nét đẹp tinh thần trong thú chơi tao nhã. Học viên người Tây rất kính trọng ông thày Việt. Có người dù phải vật lộn với chiếc bút lông trong tay vẫn vui vẻ lắng nghe lời hướng dẫn. Khi tạm biệt lớp học, họ giữ từng mảnh giấy nháp rất cẩn thận làm kỷ niệm.
Không chỉ dạy cho khách Tây, hầu như các ngày trong tuần, thày Lê Lân đều bận rộn với việc giảng dạy học viên người Việt tại nhà. Học trò của ông có thể là ông cụ 67 tuổi hay cậu bé 14 tuổi, một anh thợ sửa xe máy, hoặc một giáo sư đại học... Nét chung ở họ là đều yêu thư pháp.
Ngoài công việc giảng dạy, tiến sĩ Lê Lân còn là chủ nhiệm CLB Thư pháp quận Bình Thạnh và CLB Thư pháp Cung văn hóa lao động, quận 1. Hôm 4/5, ông và bạn bè ra mắt Vườn mỹ thuật tại nhà truyền thống quận Bình Thạnh. Khoảng không gian trước nhà truyền thống này vốn từ lâu được trưng dụng làm bãi giữ xe thu phí, nay được các họa sĩ bắt tay biến thành một không gian văn hóa, vừa là nơi thưởng ngoạn vừa là nơi bày - bán tranh thủy mặc, và nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của những ai yêu "vẽ" chữ.
Anh Vân