Người gửi: Việt Tiên
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Chồng ngoại hay nội đều phải từ tình yêu chân chính
Tôi là một trong những du học sinh tổ chức các hoạt động tuần hành phản đối những quảng cáo môi giới hôn nhân xúc phạm phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc vào giữa năm 2006. Trong những lần đó, chúng tôi đều thống nhất quan điểm với nhau khi đối thoại cùng các tổ chức và báo chí Hàn Quốc rằng: "Người Việt Nam không phân biệt hôn nhân trong hay ngoài nước. Truyền thống người Việt Nam trọng nghĩa tình, và hàng xóm láng giềng sẽ luôn vun xới cho đôi trai gái hạnh phúc nếu mối tình đó thực sự trong sáng và chân thành". Chỉ mượn lời phát biểu ấy, dĩ nhiên tôi đặt việc "mua bán" cô dâu ra ngoài chủ đề chúng ta đang nói ở đây về quan hệ nam nữ bình đẳng Việt Nam - ngoại quốc.
Trong khi đó, lập luận của Le Thai lại cho thấy một phản đề: nếu những người phụ nữ lấy chồng ngoại có tình cảm xuất phát từ sự trong sáng chân thành thì nó liên quan gì đến tính "thích vươn lên" ? Le Thai cho rằng vì đàn ông Việt Nam xung quanh các cô "không đáp ứng" được nhu cầu "thích vươn lên" của các cô nên các cô chọn những ông chồng ngoại có địa vị, giàu có (cũng là Tây nhưng mà là Tây ba lô thì đừng hòng - theo Le Thai). Nếu thế thì quan hệ ấy đã ngầm ý lợi dụng, tìm kiếm một mục đích phù hợp với tính "thích vươn lên" của mình. Tình yêu ấy là rõ ràng có tính toán, có chủ ý, lấy đâu ra trong sáng và chân thành nữa?
Không chỉ đàn ông mà cả đàn bà Việt Nam, đất nước ta còn nghèo, lịch sử xây dựng đất nước hòa bình của chúng ta còn mới mẻ, thì muốn vươn lên trước hết phải thông cảm với đất nước mình, thông hiểu đất nước mình. Tính cách của người Việt Nam có thể rất tham vọng, muốn vươn cao nhưng phải phấn đấu, chịu khó, kiên nhẫn hơn bạn bè quốc tế bội phần mới hy vọng khá hơn họ.
Trong những hạn chế của hoàn cảnh Việt Nam, một anh tổng giám đốc người Việt Nam có thể làm việc gấp 4 gấp 5 lần, nhưng lương của anh ở một đất nước còn đang phát triển như thế lẽ dĩ nhiên không thể bằng lương của một anh nhân viên tại Mỹ. Chẳng lẽ Le Thai và những người phụ nữ lấy chồng ngoại "thích vươn lên" của bạn không hiểu điều đó hay sao? Nếu ai cũng "thích vươn lên" kiểu của Le Thai hết, đổ xô kiếm tìm người nước ngoài để phối ngẫu, thì chắc chắn đã không có những cường quốc đâu nhỉ!
Thêm vào đó, lấy chồng ngoại cũng đồng nghĩa ít nhiều với việc phải chấp nhận một vị trí giới hạn trong xã hội ngoại quốc. Vì dù bạn "thích vươn lên" như thế nào đi nữa, bạn cũng là người nước ngoài.
Lập luận của Le Thai làm tôi nhớ đến những ông bố bà mẹ đưa con mình đi du học suy nghĩ là ở nước ngoài có điều kiện phát triển nên nó sẽ học giỏi hơn, sẽ tiến bộ, không lêu lổng ở Việt Nam nữa. Nhưng ở Việt Nam học tiếng mẹ đẻ cùng các bạn Việt Nam mà còn không ăn ai, còn không học nổi, thì ra nước ngoài liệu có giỏi hơn không?
Trước khi kết thúc ý kiến, tôi xin nói thêm với tư cách người trong cuộc. Bạn gái tôi là người ngoại quốc. Chúng tôi gắn bó nhau đã nhiều năm và tôi trải qua hết những suy nghĩ băn khoăn của cả hai bên trước khi quyết định tiến đến hôn nhân. Kết luận của chúng tôi là chúng tôi phải từ bỏ một số yếu tố thuận lợi vốn có của chính mỗi người, cả hai phải nỗ lực hơn người khác để đạp bằng trở ngại thì mới có cơ may "vươn lên" cùng nhau, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ nơi nào khác. Đó là do những yếu tố dị biệt dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa giữa hai người và với xã hội. Nếu Le Thai chủ ý biện luận liên hệ khái niệm "thích vươn lên" với việc lấy chồng ngoại, thì mối quan hệ giữa hai vấn đề này biểu lộ sự viển vông ngây thơ, suy nghĩ đơn giản, thậm chí vọng ngoại.