Trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm ngày 20/12 về điều chỉnh giá trong nước chưa bắt kịp thế giới, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, về nguyên tắc, giá xăng dầu vẫn bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Hiện giá cơ sở tính theo giá xăng dầu thành phẩm và không dựa trên giá dầu thô. Nghị định 84 quy định, giá cơ sở tính trong 30 ngày, tuy nhiên, theo ông Tuấn, con số này “hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới”. Lãnh đạo Cục quản lý giá cho rằng, xem xét Nghị định 84 cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để "không lỗi thời so với tín hiệu thị trường".
![]() |
Chu kỳ tính giá cơ sở xăng dầu gây tranh cãi. Ảnh: Anh Quân |
Bên lề tọa đàm, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, xăng dầu là nhiên liệu không tái tạo. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới lên xuống thất thường gây nhiều tác động xấu đến nền kinh tế. Do vậy, một số quốc gia bắt buộc dữ trữ như Campuchia 30 ngày, Thái Lan 36 ngày, Mĩ 120 ngày. Theo ông, việc tính toán giá cơ sở phải phù hợp theo số ngày dữ trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu. Vấn đề này Bộ Tài chính cần nghiên cứu đưa ra cách tính giá cơ sở phù hợp nhất nhưng phải đảm bảo dữ trữ lưu thông theo quy định. “Nếu tính chu kỳ giá bình quân 15-20 ngày so với bình quân 30 ngày hiện nay thì tỷ lệ tần suất tăng giá 15-20 ngày sẽ nhiều hơn tỷ lệ giảm giá”, ông An nói. |
Tiết lộ có “rất nhiều phương án đặt ra” và cho rằng chu kỳ giá cơ sở 10 ngày phù hợp với tín hiệu thị trường thế giới nhưng sẽ hơi ngắn và ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy, theo ông Tuấn, cần xác định lưu thông dài hơn vì còn liên quan đến an ninh năng lượng. “Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc vấn đề lưu thông”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, tính chu kỳ càng dài, điều hành giá càng theo định hướng và sẽ "không mang tính chất nhất thời". Bộ Công Thương quan tâm đến vấn đề đảm bảo nguồn cung. Nguồn lực Nhà nước có hạn nên phải giao nhiệm vụ dự trữ cho doanh nghiệp trong 30 ngày. Theo ông Tú, trong tình hình thị trường xăng dầu gần đây, 30 ngày có thể không đảm bảo an ninh năng lượng, Nhà nước đã tính đến khả năng dự trữ 45 ngày. Nhưng điều này vì nhiều lý do đã không thực hiện được.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, có thể yêu cầu dự trữ 30 ngày nhưng không thể điều hành giá theo 10 ngày. “Vậy chúng ta chỉ có hai cách, giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày. Nếu không Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại. Đây là bài toán giải quyết một vấn đề”, ông Tú nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch H ĐQT Petrolimex cho rằng, tính chu kỳ 30 ngày thì tính ổn định cao hơn, 10 ngày thì nhanh hơn. Nếu tính chu kỳ 10 ngày, doanh nghiệp phải dự trữ 30 ngày, với 20 ngày xăng dầu tồn kho, Nhà nước phải có cơ chế xử lý. Theo ông, quy định 10, 20 hay 30 ngày phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu điều hành và không liên quan đến việc giá lên hay xuống. “Nếu không đánh giá kỹ điều này thì có lẽ có sửa đổi Nghị định cũng không giải quyết được và một thời gian sau sẽ lại ghi nhận hiện tượng tăng nhanh, giảm chậm”, ông Bảo lo ngại.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, giải bài toán xăng dầu cần phải đảm bảo dự trữ cho an ninh năng lượng. Thị trường càng ổn định, càng có điều kiện giảm dự trữ và ngược lại. Ngoài ra, kinh tế đất nước mạnh hơn sẽ có điều kiện tăng dự trữ Nhà nước và giảm dự trữ cho doanh nghiệp.
"Bộ đã rà soát Nghị định 84 trong tháng 12 và sẽ trình Chính phủ trong 1-2 ngày tới", ông Tú cho hay.
Trước đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối cho rằng, tính giá cơ sở 30 ngày như hiện nay là bất hợp lý và không theo sát diễn biến thế giới. Nhiều đơn vị đề xuất nên tính theo chu kỳ 10-20 ngày để giá trong nước bắt kịp thị trường thế giới.
Hoàng Lan