
Công nhân trong một lò gạch ở ngoại ô Phnom Penh hôm 11/12/2018. Ảnh: AFP.
14 tuổi, đáng lẽ được đến trường đi học, nhưng Bopha phải làm việc 7 ngày một tuần trong một lò gạch ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Cô bé như đang bị cầm tù trong một nền công nghiệp đang bùng nổ nhờ vào sự nghèo đói của người dân Campuchia, theo AFP.
Thời tiết khắc nghiệt liên quan tới biến đổi khí hậu khiến mùa màng thất bát, đẩy hàng chục nghìn nông dân Campuchia vào cảnh nợ nần và phải chuyển sang làm việc trong các nhà máy gạch, nơi chủ sở hữu trả hết tiền nợ cho họ để đổi lấy sức lao động.
Các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đang phát triển mạnh ở Campuchia, nơi những tòa nhà cao tầng đang mọc lên như nấm quanh thủ đô Phnom Penh và các khoản tiền đầu tư chủ yếu từ Trung Quốc đổ vào. Nhưng đối với người nông dân trong lò gạch, sự thịnh vượng mới của đô thị Campuchia dường như đã bỏ qua họ.
"Cháu không tới trường, cháu đang cố trả món nợ 4.000 USD cho gia đình, có lẽ phải mất nhiều năm", Bopha nói lúc đang bốc đất sét lên xe đẩy. "Cứ chuyển được 10.000 viên, chúng cháu lại được trả 7,5 USD".
Luật lao động Campuchia cấm trẻ em 12-15 tuổi làm công việc nguy hiểm hoặc những việc khiến các em không được học hành. Nhưng Bopha vẫn làm việc cả tuần với gia đình.

Phụ nữ và trẻ em làm việc trong lò gạch ở ngoại ô Phnom Penh hôm 11/12/2018. Ảnh: AFP.
Bopha đến làm ở lò gạch hai năm trước, khi một chủ nhà máy thay gia đình em trả nợ. Ven con đường đất bụi mù dẫn tới lò gạch là hàng trăm lò nung nhìn giống kim tự tháp thu nhỏ. Bopha và gia đình cô bé có khả năng mắc kẹt trong nợ nần nhiều năm khi họ cố làm việc để xóa nợ, trong tình cảnh mà các nhà vận động quyền trẻ em mô tả là ngày càng giống chế độ nô lệ thời hiện đại.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 10, Đại học London cho rằng các nhà máy gạch ở Campuchia đang tạo ra "lực lượng lao động đa thế hệ gồm người lớn và trẻ em kẹt trong nợ nần - một trong những hình thức nô lệ hiện đại phổ biến nhất thế giới".
Naly Pilorge, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Licadho tại Campuchia nhận định mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nợ nần cực kỳ rõ ràng.
"Nhiều ngành công nghiệp khắp thế giới lợi dụng các nạn nhân của biến đổi khí hậu", cô nói. "Điều khác biệt ở Campuchia là đa số công nhân trong các nhà máy gạch bị cầm tù bởi nợ nần".
Các khoản bồi thường không giúp họ nhanh chóng trả hết nợ nần, khiến công nhân gần như trở thành tù nhân của chủ lao động, bởi họ không thể rời đi tới khi trả hết nợ. Với một số người, thời hạn đó là vĩnh viễn.
Soy sẽ được nghỉ phép hai ngày để về quê ở tình Stung Treng, phía bắc Campuchia, nhưng chồng con phải ở lại nhà máy. "Ông chủ sợ chúng tôi bỏ đi khi chưa trả hết nợ", bà nói, đứng trong một núi gạch.
Soy bắt đầu làm việc tại nhà máy hai thập niên trước, gánh trên vai khoản nợ 2.500 USD. Bây giờ, ở tuổi 57, bà nợ gấp đôi do chi phí chữa bệnh và nuôi con.
"Khoản nợ này rồi sẽ đến lượt các con tôi trả", Soy nói.
Nhiều công nhân gặp vấn đề sức khỏe mãn tính vì khói bụi ô nhiễm. Họ làm việc mà không có khẩu trang hay găng tay, các bệnh về đường hô hấp, da, đau đầu, chảy máu cam rất phổ biến.
Dim Phally, 31 tuổi, làm việc ở làng Thmey cùng chồng. Họ sinh được hai con. Khi đi vay tiền, chủ nhà máy gạch yêu cầu họ ký tài liệu và chụp ảnh cầm tiền. Hợp đồng quy định họ phải trả gấp đôi nếu bỏ trốn. Dim vẫn còn nợ 1.500 USD.
"Tôi hy vọng sớm trả hết nợ và rời khỏi chỗ này", Dim nói.

Phụ nữ và trẻ em xếp gạch vào lò nung ở ngoại ô Phnom Penh hôm 11/12/2018. Ảnh: AFP.
Công nhân lò gạch cũng không được bảo vệ nếu bị lạm dụng. Sok Kin, chủ tịch Công đoàn Xây dựng và Công nhân Gỗ Campuchia cho biết chủ lao động có thể hành xử bạo lực với công nhân, nhưng chưa ai bị truy tố.
"Nhiều người lao động không hiểu quyền lợi của mình và sợ mất việc", Sok cho hay. Ông kêu gọi đề ra mức lương tối thiểu và mở chiến dịch toàn quốc nâng cao nhận thức của người lao động về quyền lợi bản thân.
Chính phủ Campuchia khẳng định sẽ điều tra tình hình, còn Bộ Lao động không trả lời yêu cầu bình luận của AFP. Chủ sở hữu của nhiều nhà máy gạch cũng từ chối nói chuyện.
Nhiều công nhân nghĩ rằng mọi thứ sẽ không thể sớm thay đổi. "Nếu chúng tôi trả hết nợ, chúng tôi sẽ rời đi", Phan Heng, 33 tuổi, nói trong lúc nghỉ giải lao. "Nếu không trả hết nợ, chúng tôi sẽ ở lại làm việc tới khi con cái lớn lên và có thể giúp đỡ chúng tôi".