Người đứng đầu Chính phủ giải thích, từ cuối năm 2007, giá dầu thô và nhiều loại vật tư, lương thực trên thế giới đã tăng đột biến. Kinh tế toàn cầu, nhất là đầu tàu kinh tế Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc có dấu hiệu suy thoái.
Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ kinh tế thế giới và hệ quả là chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm đã tăng 11,6%, nhập siêu tăng lên 71%. "Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là người nghèo", Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu tại Quốc hội sáng nay. Ảnh: TTXVN |
Ngoài tác động từ kinh tế thế giới, trong nước có đợt rét đậm, rét hại kỷ lục và dịch bệnh trên gia súc, Thủ tướng thắng thắn chỉ ra 5 nguyên nhân chủ quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới sự lúng túng trong việc điều hành chính sách tài chính tiền tệ, với sự nới lỏng chiến sách tiền tệ trong nhiều năm, chính sách tỷ giá thấp không được kịp thời điều chỉnh, chi tiêu ngân sách chưa thực sự tiết kiệm, hiệu quả đầu tư từ khu vực nhà nước còn thấp.
Thủ tướng cũng cho rằng công tác nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng. "Đến cuối năm 2007, trong khí thế lạc quan chung về những thành tựu đạt được, vẫn nhìn nhận nhiều về thời cơ, thuận lợi, chưa phân tích dự báo được hết những khó khăn thách thức mới, nên Chính phủ vẫn trình Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng cao trong năm 2008 (GDP tăng từ 8,5 đến 9%, phấn đấu đạt mức cao hơn) và tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng GDP", ông Dũng nói.
Từ phân tích trên, Thủ tướng khẳng định khả năng thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đã xác định tại kỳ họp thứ hai không còn phù hợp. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống khoảng 7%, bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần. "Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách bây giờ là phấn đấu kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho người nghèo và người chịu ảnh hưởng thiên tai, đột biến giả cả", Thủ tướng nói.
Ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội. Ảnh: Việt Anh |
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra 8 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ theo hướng hết sức tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên và kiểm soát chặt đầu tư công, giảm dần bội chi ngân sách; thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ việc tăng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng, nhưng phải bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động lành mạnh của các ngân hàng.
Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá. Thủ tướng khẳng định khi kiên trì chủ trương xoá bao cấp qua giá, thực hiện giá theo cơ chế thị trường, nhưng để ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ chưa điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển máy bay, tàu hoả, xe buýt. Khi kiềm chế được lạm phát thì sẽ áp dụng lộ trình thích hợp thực hiện giá thị trường.
"Riêng về giá bán xăng dầu, trong trường hợp giá dầu thế giới tăng đột biến, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án tổng thể, thích hợp, với tinh thần nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng chia sẻ, gánh vác để vượt qua khó khăn, giữ ổn định và phát triển", Thủ tướng nói.
Về chính sách an sinh xã hội, Chính phủ đang chuẩn bị điều chỉnh thích hợp lộ trình tăng lương cho người làm công ăn lương, tiếp tục xuất gạo dự trữ quốc gia để cấp không thu tiền cho hộ đồng bào bị thiên tai, thiếu đói và quyết định giữ ổn định mức thu học phí, viện phí.
Trước đó, tại phiên họp Thường vụ tháng 4, thẩm tra báo cáo về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng ngoài một số nguyên nhân khách quan khiến lạm phát tăng cao như Chính phủ đề cập, còn có lý do quan trọng là bội chi ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước, gây bất ổn về tiền tệ. Việc chuyển hướng điều hành kinh tế từ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng sang ưu tiên mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế còn chậm.
"Sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chính sách tiền tệ, tài chính chưa đồng bộ, nhịp nhàng. Lúc đầu chỉ tập trung cho giải pháp thắt chặt tiền tệ trong khi ít quan tâm tới giảm chi tiêu tài chính công. Việc quản lý thị trường chứng khoán còn lúng túng", Chủ nhiệm Hiền nhận xét.
Về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Ủy ban Kinh tế nhất chí giảm, nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện để điều chỉnh cơ bản các chỉ tiêu, bởi "kinh tế tăng trưởng chậm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân".
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008 với các chỉ tiêu cơ bản như sau: - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5-9%. - Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. - Bội chi cân đối ngân sách nhà nước là 66.900 tỷ đồng, bằng 5% GDP. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ ba này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị điều chỉnh GDP ở mức khoảng 7%. Chỉ số giá tiêu dùng không được đưa ra con số chính xác, thay vào đó là: "Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần". |
Hồng Khánh