Thứ năm, 13/9/2018, 20:29 (GMT+7)

Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với WEF

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình muốn các bên cùng phối hợp để hiện thực hóa những ý tưởng, sáng kiến trong hội nghị.

Tại phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN) chiều nay, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá hội nghị rất thành công với các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4. Ông khẳng định “chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn khác biệt mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay”, đồng thời kêu gọi các nước phát huy nội lực và cởi mở với cái mới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại phiên bế mạc WEF ASEAN. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại phiên bế mạc WEF ASEAN. Ảnh: Giang Huy

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng nhận định thế giới số và khả năng kết nối đang tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp và tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới. Vì vậy, tăng cường giáo dục sẽ đảm bảo mọi người dân “thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ”. Đánh giá khu vực ASEAN đang đối mặt với cả thách thức và cơ hội lớn, Phó thủ tướng cũng kỳ vọng hợp tác chặt chẽ với WEF để thực hiện các ý tưởng, sáng kiến trong hội nghị.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại lễ bế mạc, Quyền Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới đều mang lại cơ hội hơn là rủi ro”. Ông nhấn mạnh vào nhu cầu có “quản trị thông minh” và sự sẵn sàng của chính phủ, doanh nghiệp, xã hội trong việc cùng nhau thích ứng với sự thay đổi nhanh của công nghệ.

Ông cho rằng 4.0 là cuộc cách mạng liên quan đến tư duy nhiều hơn là công nghệ. Vì vậy, điều cần thiết hiện tại là phải đào tạo kỹ năng mềm để chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Các đại diện doanh nghiệp tham gia buổi thảo luận này cũng lạc quan rằng ASEAN sẽ giải quyết được các khó khăn một cách cương quyết. Họ cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển cân bằng và bao trùm để chia đều cơ hội cho mọi người dân.   

WEF ASEAN năm nay có chủ đề Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tổ chức từ 11/9 đến 13/9 tại Hà Nội. Sự kiện năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia. Họ đã tham gia hơn 50 phiên họp chính thức và hơn 30 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. 

Hà Thu

 

Chia sẻ bài viết qua email