Thứ hai, 10/9/2018, 18:21 (GMT+7)

Doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh nhờ bình đẳng giới

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ đến từ việc tối đa hóa lợi nhuận, một môi trường bền vững mà còn nằm ở sự đa dạng giới. 

Nhiều quốc gia châu Á mới đây công nhận sự đóng góp của bình đẳng giới góp phần tạo nên thành công cho nền kinh tế. Việc này có thể tạo ra động lực và thúc đẩy các nước nỗ lực hơn nữa trong việc thu hẹp khoảng cách giới. 

Báo cáo mới nhất nêu bật các lĩnh vực có thành tích xuất sắc trong 10 quốc gia bình đẳng giới hàng đầu châu Á bằng cách phân tích các cơ hội kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị. Chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế giới năm 2018 chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia được xếp hạng tốt nhất châu Á về bình đẳng giới.

Bình đẳng giới giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh

Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 quốc gia châu Á bình đẳng nhất về giới tính, theo Chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018. Ảnh: WEF

Theo nghiên cứu, Việt Nam thời gian qua có nhiều hành động thu hẹp bất bình đẳng giới ở vị trí cấp cao cũng như một số ngành kỹ thuật và công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao. Tương tự, khoảng cách giới tính được cải thiện đáng kể trong ngành giáo dục đại học. 

Chia sẻ với VnExpress, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có luật bình đẳng giới tiến bộ nhất Châu Á. Đây cũng là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước CEDAW của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ vào năm 1982. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong nước là 73%, thuộc có tỷ lệ cao nhất trong khu vực. 

Tuy vậy, phụ nữ phần lớn làm các công việc sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp và chưa qua đào tạo. Trong mọi ngành nghề, các lao động nữ nhận được mức lương thấp hơn 33% so với đồng nghiệp nam giới. Mức chênh lệch tiền lương này lên đến 43% tại các công ty nông nghiệp và công ty nước ngoài. Ở khu vực công, chỉ có một trong số 20 bộ trưởng và 89 trong số 1.048 vụ trưởng là nữ.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam. Ảnh: Oxfam

Bà Ngọc Hân cho biết có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các công ty thúc đẩy lợi nhuận và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trên cấp độ quốc gia, mức độ bình đẳng giới cao hơn trong lực lượng lao động tạo ra rất nhiều cơ hội cho kinh tế vĩ mô. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ đến từ việc tối đa hóa lợi nhuận mà nó còn nằm ở sự đa dạng giới và một môi trường bền vững thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

Năm 2015, Viện Quốc tế McKinsey đã khẳng định nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, GDP sẽ tăng 28 nghìn tỷ đôla Mỹ vào năm 2025. Con số này tương đương với giá trị của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cộng lại. 

Về nguyên nhân gây ra sự bắt bình đẳng giới, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam nhận định các chuẩn mực xã hội, thái độ và niềm tin đã hạ thấp vị thế và khả năng của phụ nữ, biện minh cho bạo lực và phân biệt đối xử với nữ giới cũng như chỉ định các công việc mà "phái đẹp"có thể và không thể nắm giữ.

"Những công việc chăm sóc không được trả lương đang đóng góp rất nhiều cho sự hưng thịnh của nền kinh tế thế giới nhưng lại không được công nhận và đãi ngộ, khiến phụ nữ bị phụ thuộc và hạn chế các lựa chọn của họ", vị giám đốc cho biết. 

Theo giám đốc Oxfam tại Việt Nam, các giải pháp thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới cần kết hợp giữa các chính sách cấp Nhà nước và hoạt đông thực tế của doanh nghiệp. Ảnh: Oxfam

Theo giám đốc Oxfam tại Việt Nam, các giải pháp thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới cần kết hợp giữa các chính sách cấp Nhà nước và hoạt đông thực tế của doanh nghiệp. Ảnh: Oxfam

Từ đó, bà Ngọc Hân khuyến nghị Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc giải quyết ba rào cản chính đối với bình đẳng kinh tế. Thứ nhất, môi trường chính sách cần định giá lại và tái phân bổ các công việc chăm sóc để chấm dứt tình trạng gấp đôi gánh nặng mà nhiều phụ nữ gặp phải. 

Thứ hai, các tổ chức cần hiểu sâu sắc rào cản lớn nhất đối với sự thay đổi chính là các chuẩn mực xã hội, niềm tin và thái độ còn tồn tại dai dẳng trong hoạt động thực tiễn tại các công ty và các tổ chức. Xác định được đúng các rào cản sẽ giúp các đơn vị có giải pháp phù hợp để thu hẹp khoảng cách giới. 

Cuối cùng, các doanh nghiệp thực sự hướng tới kinh doanh bao trùm sẽ thực hiện các giải pháp với chiến lược nội bộ và bên ngoài toàn diện, bao gồm các chính sách tốt, văn hóa kinh doanh đánh giá cao sự lãnh đạo của phụ nữ và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội. 

Nhân sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11/9 đến ngày 13/9, Oxfam sẽ công bố báo cáo "Các mô hình kinh doanh tương lai: Định hình tăng trưởng bao trùm ở Đông Nam Á". Báo cáo trình bày chuỗi mô hình kinh doanh có trách nhiệm tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, tập trung yếu tố bình đẳng giới tại nơi làm việc. 

Vũ Hoàng

 

Chia sẻ bài viết qua email