Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Cần Thơ

Vốn được mệnh danh là Tây Đô – Thủ phủ của miền Tây Nam bộ từ hơn trăm năm trước, Cần Thơ là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất phía Nam. Cần Thơ nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong. Mặc cho tốc độ kinh tế phát triển nhanh, "Tây Đô" vẫn giữ lại những nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước. Dưới đây là những gợi ý để du khách có thể thoải mái khám phá hết những điểm đến nổi tiếng của thủ phủ miền Tây.

Cần Thơ mùa nào đẹp

Cần Thơ ít bị ảnh hưởng của gió bão, thời tiết dễ chịu quanh năm dù có mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Cần Thơ ;à vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8, khi những vườn trái cây đến vụ thu hoạch.

Tháng 9 đến tháng 11 là mùa nước nổi, thích hợp cho du khách trải nghiệm cuộc sống dân dã của người miền Tây và thưởng thức những đặc sản chỉ có khi nước lũ về. Từ tháng 12 đến tháng 2 Dương lịch là mùa cận Tết, Cần Thơ rực rỡ sắc hoa.

Di chuyển

Từ thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng bạn có thể mua vé máy bay của các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air... Giá vé khứ hồi khoảng 1.700.000 đến 2.000.000 đồng.

Từ TP HCM, du khách có thể đi xe máy hoặc ôtô, chạy theo quốc lộ 1A là đến Cần Thơ. Quãng đường di chuyển khoảng gần 170 km, hết 3 đến 4 tiếng vào ban ngày.

Nếu đi xe khách, bạn có thể ra bến xe miền Tây hoặc các nhà xe trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 để mua vé. Giá xe từ TP HCM đi Cần Thơ khoảng 130.000 - 180.000 đồng một vé.

Khách sạn, resort

Du khách có thể chọn nghỉ homestay ở trung tâm thành phố hoặc resort bên sông tuỳ theo túi tiền. Một số điểm lưu trú cao cấp là Azerai Cần Thơ Resort và Victoria Can Tho Resort, giá từ khoảng 1.200.000 đến 5.000.000 đồng một đêm.

Cần Thơ không quá phát triển về lưu trú dạng homestay, bạn có thể thuê khách sạn gần bến Ninh Kiều để thuận tiện cho việc đi lại. Giá phòng trung bình 300.000 đồng một đêm.

Chơi đâu

Bạn có thể dành ra 2 ngày một đêm hoặc 3 ngày 2 đêm ở Cần Thơ. Dưới đây là lịch trình gợi ý.

Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi là đặc sản của miền Tây. Nếu đến Cần Thơ mà bạn chưa đi chợ nổi Cái Răng thì đó thật sự là thiếu sót lớn. Chợ thường hoạt động từ mờ sáng nên bạn phải dậy sớm nếu muốn tận hưởng trọn vẹn không khí nhộn nhịp trên chợ. Thời gian lý tưởng nhất để đi chợ nổi là khoảng 5h - 7h.

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố khoảng 6 km. Bạn có thể đến đây bằng đường thuỷ hoặc đường bộ. Chợ nằm gần cầu Cái Răng, người dân ở đây ai cũng biết khu chợ nổi tiếng này nên bạn có thể hỏi về việc đi lại.

Qua hàng trăm năm biến đổi, người dân nơi đây vẫn giữ được thói quen mua bán, trao đổi hàng hoá trên những chiếc ghe, xuồng. Theo thời gian, chợ nổi trở thành loại hình du lịch thú vị của miền sông nước. Du khách có thể ra bến tàu, mua vé, lên một chiếc ghe để đi dạo khu chợ trên sông nổi tiếng bậc nhất Cần Thơ. Nếu đi nhóm đông, bạn nên thuê nguyên thuyền, giá khoảng 350.000 - 400.000 đồng. Nếu đi lẻ, bạn có thể mua vé lẻ, giá khoảng 30.000 đồng mỗi người.

Nếu đi vào lúc chợ đông, du khách sẽ được chứng kiến cảnh nhộn nhịp trên ghe, dưới thuyền. Hầu hết hàng hoá là trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều đặc biệt của chợ nổi là du khách hầu như không nghe thấy những tiếng rao, mời gọi hoặc kỳ kèo trả giá như thường thấy ở những khu chợ trên đất liền.

Ở đây, nếu có loại hàng hoá nào cần bán thì chủ ghe sẽ treo món hàng lên một cây sào cao. Nhiều cây sào treo nguyên một dàn trái cây nào là chuối, thơm, bưởi, xoài và cả rau củ các loại. Những ghe lớn thì thường đổ sỉ. Xuồng, thuyền nhỏ hơn thì bán cho khách lẻ.

Ngoài trái cây, rau quả, nhiều thuyền nhỏ còn bán cả đồ ăn sáng, nước uống và đồ ăn vặt để phục vụ thương hồ và du khách. Thưởng thức một tô hủ tiếu hay bún riêu cua nóng hổi, ngút khói trên chiếc xuồng ba lá đang dập dềnh trên mặt nước, bốn bề là cảnh mua bán tập nập là trải nghiệm không thể quên với du khách.

Chợ sẽ bắt đầu vãn người vào khoảng 9 giờ sáng. Lúc này du khách có thể quay về đất liền và khám phá tiếp những điểm đến hấp dẫn khác của xứ Tây Đô.

Nhà cổ Bình Thuỷ

Ngôi nhà trăm năm tuổi gần vàm rạch Bình Thuỷ là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất miền Tây. Từ trung tâm thành phố, bạn có thể thuê xe máy hoặc bắt taxi về đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thuỷ để ghé thăm nhà cổ. Vé vào cổng là 15.000 đồng một người.

Ảnh: Phong Vinh

Nhà cổ được thiết kế theo phong cách châu Âu, bên ngoài trông như một dinh thự thời Pháp nhưng kiến trúc bên trong lại hoàn toàn thuần Việt. Nó cho thấy sự giao thoa văn hoá Đông - Tây một cách hài hoà của tầng lớp giàu có vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn cuối thế kỷ 19.

Nhà cổ Bình Thuỷ ngày càng nổi tiếng sau khi quay nhiều bộ phim nổi tiếng như: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời, Người tình. Nhiều du khách tìm đến nơi đây cũng vì tò mò với lối kiến trúc xa hoa từ trăm năm trước nhưng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Vườn cò Bằng Lăng

Đây là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tránh xa những xô bồ đời thường. Cách trung tâm thành phố khoảng 50 km, vườn cò Bằng Lăng là khu du lịch sinh thái miệt vườn được nhiều người yêu thích.

Thời điểm lý tưởng nhất để đến vườn cò là từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau. Đây là mùa sinh sản, nhiều loài cò tập trung về. Mùa cao điểm có đến chục nghìn con cò cùng về làm tổ, tạo nên khung cảnh ấn tượng.

Ảnh: Vy An

Để tránh gây xáo động đến đàn cò, xe khách phải dừng ở đầu đường, du khách có thể đi bộ, thuê xe đạp hoặc xe máy để vào vườn. Dọc đường đi là những bụi tre già xanh rì, toả bóng mát. Trong vườn có xây đài quan sát với cầu thang xoắn ốc, nơi bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn toàn cảnh vườn cò từ trên cao.

Bạn nên nán lại đài quán sát đến khi chiều tà, lúc này hàng trăm đàn cò với đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau cùng về tổ khiến nhiều du khách không khỏi choáng ngợp.

Bến Ninh Kiều

Sau ngày dài rong chơi, buổi tối bạn nên tới bến Ninh Kiều, lên cầu tình yêu, đi chợ đêm để cảm nhận hết nhịp sống Cần Thơ. Bến Ninh Kiều được xây dựng thành công viên với diện tích khoảng 7. 000 m2. Buổi tối, nơi đây thu hút rất nhiều du khách và người dân địa phương ra ngắm cảnh, hóng mát.

Bến Ninh Kiều nằm ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Từ bến Ninh Kiều du khách có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ, đây từng là cây cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á vào năm 2010.

Nếu có thời gian, bạn có thể mua vé lên một chiếc du thuyền để có thể cảm nhận hết vẻ hoa lệ của bến Ninh Kiều khi lên đèn.

Đi bộ đến cuối bến Ninh Kiều, du khách sẽ bắt gặp cầu đi bộ vắt mình ngang sông Hậu. Giới trẻ Cần Thơ gọi đây là cầu tình yêu bởi khung cảnh lãng mạn. Giữa cầu là hai bông hoa sen lớn được thiết kế cách điệu. Dọc thân cầu là hệ thống đèn LED nhiều màu. Vào những dịp lễ quan trọng như 2/9 hay Tết Nguyên đán, người dân tập trung rất nhiều về đây để xem bắn pháo hoa.

Cách cầu đi bộ vài bước chân là chợ đêm Tây Đô. Nơi đây bày bán rất nhiều mặt hàng từ đồ ăn, quần áo đến đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm. Chợ đêm Tây Đô sẽ khiến bạn bất ngờ bởi không gian thoáng đãng, các quầy hàng nằm ngay ngắn trên nền đường nhựa sạch sẽ.

Chợ đêm có nhiều hoạt động giải trí khác để phục vụ du khách như sân khấu ca nhạc ngoài trời, các trò chơi điện tử...

Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Thiền viện được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Lý - Trần. Cổng chính là những vòm mái vuốt cong với đầu rồng cách điệu, cửa gỗ. Qua cổng chính là khoảng sân gạch rộng lớn. Từ đây, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của Chánh điện (Đại Hùng Bửu Điện).

Lầu trống, Gác chuông, Chánh điện và chùa Một Cột là những hạng mục ấn tượng nhất của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Vẻ đẹp bình yên của thiền viện thu hút nhiều du khách đến đây để tham quan và cầu bình an.

Miệt vườn

Một số vườn trái cây nổi tiếng du khách có thể tham khảo là: Mỹ Khánh, 9 Hồng, Rạch Kè, Vàm Xáng. Du khách có thể tự tay chọn hái những trái cây tươi ngon và thưởng thức ngay tại vườn. Vé vào cổng khoảng 20.000 đồng một người, giá trái cây sẽ tính theo từng loại và tuỳ vào thời điểm.

Ảnh: Vy An
Cồn Sơn

Để tới Cồn Sơn chỉ có cách thuê thuyền, đi phà tại bến Cô Bắc ở hẻm 13, đường Lê Hồng Phong. Mỗi người chỉ tốn 5.000 đồng cho một lượt qua sông, thuyền, phà ở đây hoạt động từ 6h đến 22h.

Cồn Sơn là làng du lịch cộng đồng, với mỗi hộ dân có một sản phẩm riêng đem tới cho du khách thưởng thức. Người dân Cồn Sơn vẫn giữ gìn văn hóa Nam Bộ, gọi nhau bằng những cái tên dễ thương như anh Ba, chị Bé Bảy, bé Năm... Họ luôn tươi cười, coi khách như người nhà. Giá tour nửa ngày tới một ngày ở đây từ 300.000 - 600.000 đồng/ người.

Bè nuôi cá là một trong những điểm tham quan ở cửa ngõ vào Cồn Sơn (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ). Những bè cá đầu tiên tại đây được đóng gần 20 năm trước. Để lên nhà bè, du khách phải di chuyển bằng thuyền hoặc phà. Các chuyến khởi hành tại bến Cô Bắc (hẻm 13, đường Lê Hồng Phong), từ 6h đến 22h, giá 5.000 đồng một lượt.

Một số nhà hiện nuôi các loại cá đặc sản nước ngọt như cá hồng thuỷ, cá chạch lấu, cá hô, cá éc, cá lăng, cá vồ đém, cá xác sọc... Nhiều loài cá lạ khác du khách có thể tham quan tại đây gồm hồng vỹ mỏ vịt, cá cọp, cá Koi ngũ sắc, trê hồng, Hỏa Long (chạch lửa). Tại đây, du khách được hướng dẫn cho cá ăn, tìm hiểu về cách nuôi cá trên bè. Các làng bè ở Cồn Sơn thu phí tham quan 10.000 đồng mỗi khách.

Ảnh: Kiều Dương

Xem cá lóc bay là một trong những trải nghiệm mới lạ hút khách đến Cồn Sơn. Để đàn cá có thể nhảy lên mặt nước khi có dấu hiệu của chủ nuôi, ngay khi cá còn nhỏ, người dân nơi này phải tập dần và bắt đầu bằng sự háo ăn của chúng.

Chỉ những con cá dưới 5, 6 tháng tuổi mới nhảy. Cá lớn hơn sẽ được thả ra sông để đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản. Phí tham quan đàn cá biểu diễn là 25.000 đồng một người.

Một hoạt động khác được du khách ưa thích trên Cồn Sơn là tập làm bánh. Với sự giúp đỡ của người dân, bạn sẽ tự tay làm ra những bánh từ bột mì, bột gạo và thưởng thức ngay sau khi hoàn thành. Bạn sẽ được thử làm bánh lá mít, bánh phu thê... Một mâm bánh tại đây có giá 210.000 đồng, gồm hai loại bánh ngọt và mặn.

Lò hủ tiếu ba đời
Ảnh: Thái Tăng Tùng

Lò hủ tiếu Chín Của nằm gần chợ nổi Cái Răng. Bạn có thể sắp xếp lịch trình đến đây bằng thuyền ngay sau khi tham quan chợ nổi. Hoặc nếu đi bằng đường bộ, bạn có thể chạy đến Lộ Vòng Cung (Đường 923), rẽ vào hẻm 476, chạy thêm một đoạn là đến.

Điểm này không thu phí tham quan. Du khách không chỉ tìm hiểu quy trình làm ra hủ tiếu mà còn được trải nghiệm đổ bánh và mua sản phẩm về làm quà. Giá mỗi kg hủ tiếu từ 40.000 đồng, tuỳ loại.

Ngoài ra, một số làng nghề khác là làng bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm, làng hoa Thới Nhựt, làng đan lọp Thới Long, làng bánh hỏi mặt võng...

Vườn ca cao Mười Cương

Tới đây, ngoài thưởng thức sản phẩm từ trái cacao, khách còn được cùng gia chủ trải nghiệm các công đoạn sản xuất. Cơ sở làm cacao này bắt đầu hoạt động từ những năm 1960. Hiện vườn ca cao Mười Cương có diện tích hơn 1,2 hecta với hơn 2.000 gốc cacao.

Bạn có thể tham quan vườn trong khung giờ 7h - 12h mỗi ngày. Vườn bày bán nhiều sản phẩm làm từ cacao cho du khách mua về làm quà như bột, kẹo, socola, nước trái cây...

Ăn gì

Bún gỏi dà: Món ăn có vị khá giống bún mắm. Nước lèo chua vị me và có mùi đặc trưng của tương hột. Đây là điểm nhấn khiến món ăn dễ nhận biết hơn. Ngoài bún trắng, một tô còn có tôm lột màu đỏ. Nhiều nơi cho thêm ít dừa nạo hoặc trứng vịt lộn để đậm đà hơn. Giá một tô là 30.000 đồng.

Pizza hủ tiếu: Đây tên gọi chiếc bánh hủ tiếu chiên giòn. Trước khi chế biến, bánh hủ tiếu được phơi khô, ướp bột nêm và tiêu cho thơm. Hủ tiếu cho ngập trong chảo dầu sôi, lật đều hai mặt để bánh chín vàng và rắc hành lá nhuyễn lên trên. Địa chỉ gợi ý là lò hủ tiếu Sáu Hoài, khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều.

Bánh hỏi nem nướng: Bánh hỏi ăn kèm nem nướng, rau sống các loại như khế chua, dưa leo, dứa, chuối xanh, hoa chuối, củ kiệu, ớt, sả... Gắp mỗi thứ một chút, cuốn vào trong chiếc bánh hỏi, cùng nem nướng, đậu phộng rang giã nhỏ, chấm vào bát nước chấm đã pha đủ vị chua, cay, mặn, ngọt là bạn có thể thưởng thức ngay. Ở Ninh Kiều, thực khách có thể ăn ở quán Thanh Vân ở số 17 đại lộ Hòa Bình; quán Cô Ròm 14 Trần Khánh Dư hay Anh Mập số 18 Nguyễn An Ninh.

Vịt nấu chao: Ngoài cháo, gỏi vịt, vịt quay, vịt kho sả, vịt chiên nước dừa... thì vịt nấu chao cũng là món ngon nổi tiếng ở Cần Thơ. Thường quán sẽ phục vụ một nồi gồm nước lèo ăn vịt nấu chao và các loại thịt theo giá khách yêu cầu, kèm theo bún, mì và rau như ăn lẩu. Ở Cần Thơ, quán Thành Giao trên đường Lý Tự Trọng là một trong những địa chỉ nổi tiếng với món ăn này. Giá từ 150.000 đồng cho một suất ăn 2 người.

Chuột đồng chiên nước mắm: Món ăn khá phổ biến ở Cần Thơ, đặc biệt là các quán ăn chuyên đặc sản miền Tây ở trung tâm thành phố với giá khoảng 75.000 đồng một đĩa.

Gỏi tôm trứng: Món gỏi đặc biệt hấp dẫn khi được kết hợp tôm, trứng và da heo. Khách gọi, người bán lần lượt cho vào đu đủ bào, vài con tôm, da heo, vài lát trứng, thêm chút tép khô. Rắc thêm chút rau thơm, đậu phộng giã nhuyễn và sau cùng chan vài muỗng nước mắm chanh, tỏi, ớt.

Ngoài trái cây, hải sản Cần thơ còn có một số đặc sản bạn nên thử như: hủ tiếu gõ, bánh tét lá cẩm, bánh xèo cổ hũ dừa, nem nướng Cái Răng, bánh tằm bì, lẩu bần Phù Sa, bánh cống...

Mua gì làm quà

Những đặc sản nên mua về làm quà ở Cần Thơ phải kể đến trái cây, đặc biệt là dâu Hạ Châu đất Phong Điền; bánh tét lá cẩm; nem Cái Răng; ca cao Mười Cương; mắm cá tra cù lao Tân Lộc; khô cá lóc; rượu mận Sáu Tia hay hủ tiếu khô Sa Đéc. Ngoài ra là đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ của các làng nghề.

Kinh phí dự kiến

Tổng kinh phí dự kiến cho 2 ngày vui chơi ở Cần Thơ dao động từ 1 - 2 triệu đồng, tùy mỗi người. Không nhiều dịch vụ báo tăng giá ngày lễ 2/9, vì vậy du khách có thể thoải mái khám phá thủ phủ miền Tây mà không phải lo lắng quá nhiều.

Khương Nha

Cập nhật 4/1/2024, 09:25 (GMT+7)