Kỳ là một trong những bệnh nhân bị chứng nghiện game online được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Là con trai út trong nhà có 3 chị gái, Nguyễn Diệu Kỳ, 14 tuổi, quê Yên Bái được cả nhà nuông chiều và đặt rất nhiều kỳ vọng. Từ bé, cậu cũng khá thông minh và ngoan ngoãn. Khi sang học cấp 2, Kỳ bắt đầu biết đến máy tính từ những lần theo bạn ra quán net ở thị trấn. Ban đầu, bố mẹ Kỳ nghe con nói có thể học được nhiều thứ từ máy tính cũng rất mừng và còn cho tiền để cậu ra hàng Internet.
Thực ra, Kỳ say mê game trên mạng. Cậu có thể ngồi hết giờ này sang giờ khác, có khi quên cả việc về nhà ăn cơm. Dần dần, Kỳ quên ăn, quên ngủ, đằm chìm trong thế giới những trò chơi ảo. Hễ không thấy em ở nhà, mọi người chỉ cần đến quán là tìm được ngay.
Trẻ vị thành niên rất dễ sa đà vào game online. Ảnh: H.H. |
Gia đình chiều con, chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ rồi đưa em về. Nhưng cứ hễ rời khỏi chiếc máy tính là Kỳ ủ rũ, hỏi không nói, gọi không thưa, ngơ ngác như người mất hồn, chẳng thiết ăn uống. Xót con, gia đình lại cho em chơi điện tử. Nhưng Kỳ cứ ngồi lỳ ở quán net, thức thâu đêm, suốt sáng, không ăn uống, đến nỗi người chỉ còn như xác ve. Cả nhà đành lôi em về. Khi đưa đến Bệnh viện tâm thần Trung Ương, em hầu như không có chút sinh khí nào.
Theo ông Thân Văn Quang, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, tất cả những trò chơi trên mạng đều có tính kích thích mạnh, có sức cám dỗ rất lớn, nhất là đối với những người trẻ. Tuy nhiên, có rất nhiều người ham thích game online nhưng không phải ai cũng nghiện. Tùy tạng thần kinh và nhân cách mà mỗi người có phản ứng khác nhau. Có người say mê thích thú quá dẫn đến lệ thuộc vào nó thành nghiện, rất khó chữa. Đó thường là những người chưa chín chắn, dễ sốc nổi, hưng phấn và thuộc tạng thần kinh yếu.
Tiến sĩ Quang cho biết, những người bị chứng nghiện game online không muốn rời chiếc máy tính, nếu không được chơi thì nhớ, thèm, sinh ra buồn phiền, chán nản thậm chí kích động phá phách đồ đạc. Về mặt sinh lý, họ có thể có các biểu hiện như vã mồ hôi, chán ăn, mất ngủ, sút cân nhanh.
Theo Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám sàng lọc, tư vấn, điều trị và dự phòng các rối nhiễu tâm trí Phòng khám Tuna, Phố Vọng, Hà Nội, đối tượng dễ bị nghiện game online là các em ở tuổi vị thành niên. Khi đó, trẻ mới lớn, muốn tự khẳng định mình nhưng chưa có kinh nghiệm sống, rất muốn khám phá những điều mới lạ. Hơn nữa, những trẻ dễ bị nghiện game thường do được gia đình quá nuông chiều, bố mẹ bận rộn ít có thời gian cho con cái, không quản lý giờ giấc của con. Những em nhạy cảm, thiếu sự gắn bó với người thân, sống khép kín, ít giao tiếp cũng dễ sa đà vào trò chơi này.
Như trường hợp của em Minh Hoàng, 16 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội. Hoàng vốn là đứa trẻ rất hiếu động, thông minh, thích cùng bố mẹ đi chơi, hay giao lưu với bạn bè cùng lớp. Nhưng từ 2 năm trở lại đây, khi bắt đầu mê mải với game online, tính em thay đổi. Hoàng ít nói hơn, không thích đi chơi và giao tiếp người khác. Ngay cả những người thân trong gia đình, em cũng tỏ ra xa lạ, không muốn nói chuyện. Bố mẹ hỏi gì, Hoàng cũng chỉ trả lời trống không và nhát gừng. Hoàng chơi game suốt ngày, đến bữa cơm, em chỉ ngồi ăn cùng, không nói gì rồi lại chơi tiếp. Nếu đang chơi, có ai gọi hay muốn dùng máy, em tỏ ra rất bực tức, cáu kỉnh. Từ đầu năm 2007, Hoàng bỏ hẳn học ở lớp, chỉ ở nhà chơi game.
Khi đến phòng khám Tuna, bố mẹ Hoàng cũng thừa nhận, cậu con trai này ra đời cách chị gái 9 năm nên được cả nhà nuông chiều. Anh chị cũng quá bận rộn nên ít khi trao đổi với con. "Định nối mạng để con có điều kiện học tập nhiều hơn, không ngờ cháu lại sa vào ham mê game online. Có lẽ lỗi cũng tại chúng tôi, không thống nhất trong cách dạy con, lại thiếu thời gian cho cháu quá nên mới đến nông nỗi này", bố Hoàng tâm sự.
Cũng được nuông chiều từ bé, em Bình, ở Thanh Xuân, Hà Nội, bằng tuổi Hoàng, nghiện game mấy năm nay. Bố em là nhân viên ngành ngân hàng, mẹ là giáo viên, gia đình Bình có điều kiện kinh tế rất khá nhưng cũng ít thời gian gần gũi con. Họ cũng không biết con ham mê chơi game từ lúc nào. Khi thấy Bình bỏ cả học hành, suốt ngày đêm chỉ chơi game, bố mẹ Bình mới lo lắng, cấm đoán con không được dùng máy tính. Lúc này, Bình nổi khùng, cắt hết các đường dây sử dụng điện trong nhà. Bố mẹ em buộc phải đi lắp lại và tiếp tục để con chơi game. Thế nhưng, hễ khi cha mẹ nhắc nhở, không cho chơi, Bình tỏ ra rất bực tức, có khi còn nổi khùng, đập phá đồ đạc trong nhà. Khi bố mẹ muốn đưa đi khám và chữa bệnh, em tỏ ra chống đối ngay và nhất định không đi.
Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, khi phát hiện con sa đà chơi game, bố mẹ không nên ngay lập tức cấm cản bằng thái độ gay gắt, càng không nên quát mắng. Bởi khi ấy trẻ đang say mê và dễ có phản ứng chống đối, nhất là với các em ở tuổi vị thành niên. Tốt nhất, bố mẹ nên khuyên bảo nhẹ nhàng, dần dần rút bớt thời gian chơi game của con, hướng con đến những hoạt động giải trí khác. Nếu như mọi biện pháp không có hiệu quả, các bậc phụ huynh nên đưa con đến các chuyên gia tư vấn và phòng khám tâm thần. Ở đó, họ sẽ có những liệu pháp phù hợp, giúp trẻ dần dần "cai" chứng nghiện game và hòa nhập vào cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, theo bà, cách tốt nhất là bố mẹ nên ngăn ngừa từ trước, tránh để con quá sa đà vào các trò chơi trên mạng. "Các bạn nên quan tâm, dành nhiều thời gian gần gũi, lắng nghe con cái để phát hiện ngay những thay đổi nhỏ của trẻ. Bố mẹ cũng cần có những quy định về giờ học, giờ chơi, và có thưởng phạt về hành vi tốt xấu của con, hướng con đến những hoạt động giao tiếp lành mạnh", tiến sĩ Bưởi nói.
Cùng quan điểm này, ông Thân Văn Quang cho biết, cũng như nghiện bất kỳ thứ gì khác, nghiện game online rất khó chữa, và khi chữa phải trải qua quá trình rất lâu dài. Theo ông, không có cách nào tốt hơn là đề phòng từ trước. Bố mẹ nên hướng con đến nhiều hình thức giải trí phong phú khác, tham gia vào các hoạt động thể chất để có lối sống và tinh thần lành mạnh.
Minh Thùy