Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 10/9/2017, 11:00 (GMT+7)

Vựa rau 50 năm tuổi bên dòng sông Đa Nhim

Nghề trồng rau thương phẩm của huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) có cách đây 50 năm, nay là một trong những vựa rau củ lớn nhất cả nước.

Đa Nhim trong truyền thuyết của người Cơ Ho có nghĩa là “nước mắt” của chàng Ha Biang và nàng K’Lang, vì khác bộ tộc mà không đến được với nhau. Dòng sông này chứng kiến nhiều đổi thay của nghề trồng rau Đơn Dương cũng như vất vả mưu sinh của người dân hai bên bờ phù sa.

Sông Đa Nhim chảy tới Đơn Dương thì bị chặn lại bởi thác thủy điện, sau đó tiếp tục xuôi dòng từ thị trấn D’Ran qua các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm đến Ka Đô, Quảng Lập ra tới Đạ Ròn. Nhờ phù sa màu mỡ bồi đắp, đất Đơn Dương lúc nào cũng xanh màu rau trái.

polyad

Sông Đa Nhim chảy tới Đơn Dương thì bị chặn lại bởi thác thủy điện. Ảnh: Bizmedia

Nghề trồng rau thương phẩm của Đơn Dương có cách đây khoảng 50 năm, bắt đầu từ xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, đến nay mới nhân rộng ra nhiều nơi khác như Thạch Mỹ, D’Ran, Ka Đô.

Theo thống kê của sở nông nghiệp huyện, hiện diện tích rau thương phẩm là 11.307 ha. Mỗi năm quay vòng 2-3 vụ tùy theo loại nông sản khiến con số diện tích trồng tăng lên đến 25.501 ha, sản lượng trên 854.284 tấn mỗi năm. Trong đó có 9.271 ha rau hoa ứng dụng công nghệ cao, chiếm 82%.

Mô hình canh tác rau Đơn Dương 

Vựa rau 50 năm tuổi bên dòng sông Đa Nhim
 
 

Hướng đi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cải cách cơ cấu cây trồng của huyện mang lại hiệu quả tích cực. Thu nhập bình quân của nhiều hộ cao hơn mức 100 triệu đồng. Nhiều nông dân trồng rau đã sắm xe con, xe tải nhỏ cùng nhiều máy móc nông nghiệp dành cho sản xuất.

Những nhà vườn sản xuất rau công nghệ cao còn có mức thu nhập trung bình 220 triệu đồng mỗi ha mỗi năm. Các mô hình hiệu quả còn đem về trên một tỷ đồng mỗi ha mỗi năm.

Nhiều nông dân từ Lạc Lâm, Lạc Xuân đi thuê thêm đất, thêm nhân công để canh tác. Không ít hợp tác xã, tổ hợp tác theo đuổi sản xuất rau an toàn và tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để nâng cao chất lượng và uy tín cho rau Đơn Dương. 

polyad

Mô hình trồng dưa leo trong nhà lưới tại Đơn Dương. Ảnh: Bizmedia

Năm 2017, nhiều hợp tác xã và tổ sản xuất liên kết được với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra như VinEco, siêu thị Metro với tổng sản lượng khoảng 214.000 tấn mỗi năm. Đơn Dương cũng hút nhiều doanh nghiệp về xây dựng vùng nguyên liệu như Hasfarm, Appolo, Pepsi, Orion… nhưng mới chỉ khai thác khoảng 1/4 tiềm năng nơi đây. Phần còn lại vẫn đang thả nổi trên thị trường và trong tay thương lái tự do.

Khi rau củ Trung Quốc trà trộn, giả danh rau Lâm Đồng, nông dân Đơn Dương phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh. Tại chợ nông sản Đà Lạt, một kg khoai tây Trung Quốc giá chỉ 5.000 đồng, nhưng khoai tây Đà Lạt giá không dưới 15.000 đồng. Mặc dù chủ động canh tác sạch, song việc phân phối tới căn bếp của các gia đình vẫn phụ thuộc vào thương lái và chợ đầu mối.

polyad

Đầu ra rau củ vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Ảnh: Bizmedia

Mặc dù đầu ra vẫn là bài toán khó, song nông dân Đơn Dương vẫn tìm cách khai phá tài nguyên thiên nhiên, khí hậu mát mẻ, chất lượng đất, nguồn nước ít bị ảnh hưởng bởi sản xuất công nghiệp, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhiều mô hình canh tác tập trung tại Đơn Dương được kiểm soát nước tưới, phân, thuốc trừ sâu sinh học... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao không thua kém trong nhà kính, nhà lưới. 5 năm tới, Đơn Dương tiếp tục thực hiện kế hoạch cải cách cơ cấu nông nghiệp, mô hình trồng rau sạch vẫn là hướng đi mũi nhọn của huyện

Hoàng Nguyên

Chia sẻ bài viết qua email