Thứ ba, 16/4/2024
Thứ năm, 12/1/2017, 13:00 (GMT+7)

Từ tay trắng thu tiền tỷ nhờ nấm linh chi

Trước khi trở thành ông chủ của một trong những trại nấm linh chi quy mô lớn tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh, anh Phan Quốc Hưng từng có thời gian dài ngập trong số nợ hàng trăm triệu đồng khi mới chập chững bước vào nghề.

Trước đây, anh Phan Quốc Hưng ở thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh vốn duy trì việc sản xuất nông nghiệp truyền thống là trồng lúa và chăn nuôi gà, lợn quy mô nhỏ nên thu nhập không cao, kinh tế gia đình eo hẹp, chi tiêu sinh hoạt ở mức khó khăn. Năm 2012, anh được một người đàn ông Việt kiều rủ góp vốn làm ăn chung, mở trang trại trồng nấm linh chi, sau đó thống nhất cùng chia nhau lợi nhuận.

Nhận thấy kế hoạch làm ăn có vẻ thuyết phục, vợ chồng anh đồng ý. Ban đầu, người này góp 81 triệu đồng, còn lại, vợ chồng anh đi vay 300 trăm triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển Nông thôn (Agribank) và bạn bè, người thân để dồn vào đầu tư xây dựng nhà trồng nấm và mua sắm các thiết bị, nguyên liệu. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng nấm khác, đồng thời thường xuyên đến tham quan các mô hình trồng nấm linh chi trên địa bàn và các vùng lân cận, anh Hưng trở về phát triển vườn nấm.

polyad

Nấm linh chi tại trang trại của gia đình anh Hưng. Ảnh: Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nấm linh chi Đầm Hà.

Nhờ lựa chọn mô hình trồng nấm Linh Chi theo phương pháp treo giàn, không phủ đất, giúp hạn chế dịch bệnh phát sinh, tiết kiệm diện tích và chí phí đầu vào, ở lứa nấm đầu tiên, anh Hưng thu được hơn 7 tạ nấm tươi. Với giá nấm trung bình thời điểm đó khoảng 600.000-700.000 đồng một kg, ước tính trại nấm có thể cho thu nhập khoảng gần 500 triệu đồng, đủ giúp hai "nhà đầu tư" hoàn vốn. Tuy nhiên, sau khi ôm toàn bộ lô nấm ở mùa đầu tiên, người đàn ông Việt kiều lại lật kèo, không chia lợi nhuận và đẩy anh Hưng vào cảnh trắng tay. Không những mất toàn bộ công sức đầu tư, chăm sóc vườn nấm, anh Hưng còn vướng vào khoản tiền nợ hàng trăm triệu đồng.

Suy sụp vì chuyện làm ăn đổ bể, lâm cảnh nợ nần, anh bỏ bê trại nấm một thời gian. Năm 2013, khi giai đoạn khủng hoảng qua, bình tâm trở lại, anh Hưng quyết định vực dậy, tìm cách mở trại nấm linh chi của riêng mình. Lúc này, có kinh nghiệm nhưng lại không có vốn, vợ chồng anh đã cầm cố hết tài sản và tiếp tục vay mượn để xoay vốn làm ăn. Có vốn, anh dùng toàn bộ để đầu tư vào phát triển vườn nấm với hy vọng có thể lấy lợi nhuận gối để trả nợ dần. Để tiết kiệm tiền thuê mướn nhân công, giảm tối đa chi phí, vợ chồng anh cùng các con và mẹ già đều tham gia lao động ở trại nấm cả ngày lẫn đêm.

Không phụ công của mọi người, nấm linh chi đã cho gia đình anh Hưng thành quả ngay ở vụ thu hoạch đầu tiên. Nhận thấy đây là con đường để thoát cảnh nợ nần, tạo dựng kinh tế gia đình, anh Hưng quyết tâm đầu tư và mở rộng khu trồng nấm, học hỏi, bổ sung thêm kinh nghiệm để tăng sản lượng và chất lượng. Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nấm linh chi của anh cũng ra đời từ đó. Về khoản tiền vay vốn ngân hàng, anh lựa chọn cách dùng lợi nhuận ở các vụ nấm để trả lùi. Đến cuối năm 2016, khoản nợ này cơ bản đã được trả xong.

Hiện, diện tích vườn nấm linh chi của gia đình anh Hưng khoảng trên 300m2, tỷ lệ nấm tốt đạt trên 90%, sản lượng mỗi năm đều trên dưới một tấn nấm khô, mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho gia đình. Đây được coi là quả ngọt dành cho anh Hưng sau thất bại, hụt hẫng lúc mới chạm nghề.

Phong Vân

Chia sẻ bài viết qua email