Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 30/10/2017, 14:30 (GMT+7)

Từ người lính đến doanh nhân làm ô mai

Khởi nghiệp năm 1996 với kiốt số 14 chợ Đồng Xuân, người lính Nguyễn Hồng Lam nay sở hữu chuỗi 26 cửa hàng ô mai lớn nhỏ trên cả nước.

Ông Nguyễn Hồng Lam nhớ lại ngày nhập ngũ 30/9/1974 hăm hở lên đường cống hiến cho đất nước. Về sau, ông trở thành thành viên tiêu biểu trong lớp “hạt giống đỏ” được cử sang Liên Xô cũ học kỹ thuật điện ảnh. Tuy nhiên khi trở về, đất nước những năm đầu đổi mới còn khó khăn, điện ảnh chưa có nhiều đất diễn, ông phải lái sang học buôn bán để mưu sinh kiếm sống. 

Những ngày đầu tập tành kinh doanh, có giai đoạn ông lỗ mất 20 cây vàng vì cả tin, quỵt nợ. Ngoài 30 tuổi vẫn tay trắng, song người lính Hồng Lam vẫn không từ bỏ.

Nghề ô mai đến với ông như duyên nợ trong thời điểm khó khăn nhất. Ông quan sát thấy nhiều phụ nữ từ trẻ đến già đứng xếp hàng mua ô mai, tin rằng giá trị và tiềm năng của thị trường này sẽ còn rộng mở. Vị doanh nhân nhanh chóng quyết định làm ô mai, trước hết là cho hai người phụ nữ ông yêu nhất, vợ và con gái.

Nghề làm ô mai chủ yếu làm gia truyền, mỗi nghệ nhân giữ kín bí quyết làm, không truyền ra cho người ngoài. Ông phải mày mò tự học làm ô mai, giã gừng, sên đường, thử từng mẻ mơ, mận, khế cho đến khi điêu luyện thành công thức riêng. Một mình cặm cụi trong gian bếp nhỏ khu tập thể Quân đội, đến năm 1996, ông thuê thêm 5 người và biến nhà thành xưởng.

Những hộp ô mai đầu tiên được bán tại kiốt số 14 góc chợ Đồng Xuân. Với Nguyễn Hồng Lam, ô mai không chỉ là món ăn vặt. Ông nảy ra ý định biến những quả ô mai bé nhỏ thành thức quà truyền thống cho mỗi gia đình Việt. Vì vậy năm 2000, ông mở cửa hàng trang trọng đầu tiên trên phố hàng Đường.

Ông Nguyễn Hồng Lam, chủ thương hiệu ô mai Hồng Lam.

Ông Nguyễn Hồng Lam, chủ thương hiệu ô mai Hồng Lam.

Được người dùng đón nhận, ông mở rộng xưởng lên 300m2, rồi 600m2. Đến nay sau hơn 20 năm, người lính Hồng Lam đã có công ty trên 200 người và hàng trăm công nhân làm việc trong nhà máy rộng 22.000m2 tại khu công nghiệp Quang Minh. Cửa tiệm nhỏ trên phố cổ nay đã nhân rộng lên thành chuỗi 26 cửa hàng, đại lý và hàng chục điểm bán lẻ từ Nam ra Bắc. 

Chia sẻ bí quyết thành công, ông cho biết bản thân luôn theo đuổi phương châm khởi nghiệp "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, "dĩ bất biến" hiểu đơn giản là nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Từ người lính làm ô mai đáp ứng nhu cầu thị trường, ông "ứng vạn biến" bằng cách phát triển và gia tăng dần giá trị sản phẩm thông qua công nghệ, công nghiệp hóa, làm thương hiệu và truyền thông. 

Doanh nhân Hồng Lam cho rằng, Việt Nam sở hữu nguồn trái cây phong phú và chất lượng,. Mơ, mận, đào, sấu, cóc, quất hồng bì… không chỉ ngon mà còn dễ chế biến thành ô mai. Hạn chế lớn nhất là phụ thuộc thời tiết, mùa vụ ngắn, áp lực tiêu thụ nhanh ảnh hưởng tới giá cả và chất lượng. Khắc phục điểm yếu này, ông đưa công nghệ chế biến vào để nâng cao giá trị cho từng loại quả, đồng thời giảm áp lực cho người trồng, tạo thành chuỗi liên kết với vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, công nghiệp hóa nghề cổ truyền và mang tính thủ công cao như ô mai là điều không hề đơn giản. Ông phân bổ các khâu phân loại, phơi sấy hàng trăm tấn mơ, mận... cho máy móc. Công đoạn nào cũng cần kỹ sư giám sát chặt chẽ. Bước đánh giá cảm quan ô mai bắt buộc phải do các nghệ nhân tinh tế phụ trách. Sản phẩm cuối cùng sẽ được kiểm tra chất lượng bằng công nghệ đo lường dựa trên các chỉ tiêu hóa, lý, cảm quan và vi sinh.

Xây dựng thương hiệu là một trong 3 yếu tố làm nên thành công cho ô mai Hồng Lam. Ô mai vốn là thức quà vặt, song ngày nay, nhiều vị khách mua ô mai để mang ra nước ngoài tặng bạn bè, làm quà biếu gửi trao thân tình. 70% giá trị doanh thu của Hồng Lam hiện nay xuất phát từ thói quen mua ô mai làm quà.

Thu Giang

Chia sẻ bài viết qua email