Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 14/7/2018, 09:00 (GMT+7)

Thuần khiết hương vị trà Khe Cốc

Trong tứ đại danh trà đất Thái Nguyên, trà Khe Cốc có tiền vị chát dịu, hậu vị ngọt sâu, thơm thanh mà không gây mất ngủ.

Trà Khe Cốc, cùng với La Bằng, Tân Cương, Đồng Hỷ được mệnh danh là tứ đại danh trà của Thái Nguyên.

Với người Khe Cốc, trà ngon nhờ vào hai yếu tố. Đó là cái trời cho gồm đất, nước, không khí sạch thuần khiết và nhờ bàn tay con người giữ, truyền cho hậu nhân bí quyết "chỉ lên hương lúc vui" khi làm trà.

Trà Khe Cốc là một trong tứ đại danh trà đất Thái Nguyên. Ảnh: Xuân Chinh

Trà Khe Cốc là một trong tứ đại danh trà đất Thái Nguyên. Ảnh: Xuân Chinh

Tên vùng trà đặt theo tên con suối Khe Cốc thuộc địa phận xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Nước suối chảy về từ núi Chín Tầng, trong vắt nhìn rõ cá bơi. Trăm năm nay, đây là nguồn nước sinh hoạt của dân bản địa và cũng là nguồn nước ngầm tưới mát cho 250ha đồi chè.

"Cái rốn chè" của vùng Khe Cốc nằm ở cụm làng nghề Khe Cốc, xã Tức Tranh. Cả cụm chè gồm 5 xóm quây quần 300 nóc nhà. Nhà nào cũng trồng chè và chế biến trà. Ngoài vài loại cây ăn quả xen trên đất đồi, cây chè chiếm 95% cơ cấu cây trồng cả vùng.

60% diện tích nơi đây trồng giống chè trung du (còn gọi là chè ta để phân biệt với các giống nhập ngoại và chè lai). Chè trung du sinh trưởng tốt trên đất đồi dốc cằn cỗi, chịu hạn, năng suất cao. Đặc biệt, giống chè này cho mầm thưa, dễ hái, khác hẳn với búp chè lai dầy nhưng dễ đứt rụng.

Những gốc chè trung du ở Khe Cốc trung bình đã 40 năm tuổi, hầu như không cần tưới. Chỉ những năm mùa đông khô hạn, người trồng mới huy động thêm nước mặt để tưới, còn lại trông vào nước ngầm Khe Cốc, nước mưa và sương đêm.

Đất đồi Khe Cốc là loại đất gan gà, đất thỏi son giữ nước tốt. Địa hình dốc trung bình giúp gốc cây thoát nước.

Hái chè Khe Cốc buổi sáng. Ảnh: Xuân Chinh

Hái chè Khe Cốc buổi sáng. Ảnh: Xuân Chinh

Khe Cốc mát mẻ quanh năm, hầu như không có nắng gắt. Khí trời vẫn giữ được trong lành, không bị các khu công nghiệp, nhà máy làm ô nhiễm. Người trồng chè canh tác tỉ mỉ, không lạm dụng phân hóa học giữ cho đất sạch. Hàng năm, mùa đông một lần đốn cành, mùa xuân một lần phát cỏ.

Rác thải sinh hoạt, bao bì phục vụ sản xuất chè được gom lại tại một nhà chứa rác rộng 150m2. Hàng tháng, rác được phân loại và đem đi Phú Bình tiêu hủy.

Quy trình canh tác chè tuân thủ theo VietGAP, khoảng 120 trên 300 hộ đã được cấp chứng nhận. Các hộ còn lại duy trì theo hướng hữu cơ.

Mùa xuân, sắc non mơn mởn của búp chè phủ lên những quả đồi bát úp san sát. Người Khe Cốc hái chè từ buổi sớm tinh sương. Theo lý giải, thời điểm này mặt trời chưa gắt, sương còn ướt như phết mỡ gà, là lúc chè cho hương vị ngon nhất.

Chè hái về làm héo trên kệ, phân loại kỹ trước khi đưa vào vò, sấy ngay trong ngày. Lên hương là một trong những khâu quan trọng, quyết định hương và vị trà. Người Khe Cốc đặc biệt chỉ lên hương lúc tinh thần phấn chấn mới cho mẻ trà ngon nhất. Bí quyết này đến nay vẫn được người già truyền lại cho hậu thế.

Trà được chế biến kỳ công, đặc biệt ở chỗ để chè tự lên hương, không dùng bất kỳ chất gì tạo màu, tạo mùi hay chất bảo quản. Ảnh: Xuân Chinh

Trà được chế biến kỳ công, đặc biệt ở chỗ để chè tự lên hương, không dùng bất kỳ chất gì tạo màu, tạo mùi hay chất bảo quản. Ảnh: Xuân Chinh

Xưa, chế biến trà năng suất thấp, chất lượng không đều vì dùng máy sao, máy vò bằng sắt, mất an toàn thực phẩm. Hiện nay, các hộ dân chuyển sang dùng máy sao inox nhập từ Nhật Bản. Dự kiến, cụm làng chè Khe Cốc sắp đầu tư thêm kho lạnh để bảo quản búp chè tươi và khô, nâng cao chất lượng trà.

Trà Khe Cốc chia thành các loại đinh tâm (loại trà chỉ hái một tôm duy nhất), đinh ôm (loại một tôm có thêm một lá nhỏ như chiếc đầu ốp vào chiếc đinh), tôm nõn (hái một tôm hai lá) và trà móc câu. Ngoài ra, còn có kẹo trà xanh, bột trà xanh.

Trà Khe Cốc sợi dài, đều, màu nhạt. Nước trà màu xanh tươi, sáng. Vị trà chát dịu, êm ái, hậu vị ngọt sâu.

Là một trong tứ đại danh trà của Thái Nguyên, trà Khe Cốc lấy đặc trưng hương vị và yếu tố sạch để phát triển thương hiệu rộng rãi. Mỗi năm, cụm làng chè Khe Cốc thu hoạch khoảng 100 tạ trà một hecta.

Nơi đây cách Thành phố Thái Nguyên chỉ khoảng 60km; cách chợ chè Phấn Mễ chỉ 1,5km tạo điều kiện thuận lợi cho người Khe Cốc quảng bá và bán trà. Sản phẩm hướng vào thị trường từ bình dân tới quà biếu, với mức giá dao động từ 300.000 đồng một kg đến 3,5 triệu đồng một kg.

Chè đang có mặt ở khắp các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình và đang chuẩn bị xuất ra Đài Loan.

Xuân Chinh

Chia sẻ bài viết qua email