Thứ năm, 25/4/2024
Thứ ba, 24/1/2017, 14:15 (GMT+7)

Thu về hàng tỷ đồng nhờ mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà

Mô hình chăn nuôi kiểu mới giúp anh Thế ở xã Xuân Lộc, Phú Thọ phát triển tới 50 lồng cá các loại. Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường 100-130 tấn cá thành phẩm, thu về hàng tỷ đồng.

Xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ có dòng sông Đà chảy ngang qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hình thức nuôi cá lồng trên sông. Với mô hình này, người dân không chỉ tận dụng nguồn nước tự nhiên mà còn góp phần làm sạch khu nuôi thả do lợi dụng được dòng chảy.

Anh Thiều Minh Thế - Giám đốc Công ty TNHH Toản Thế bắt đầu nuôi cá lồng trên sông từ trên sông từ năm 2014 và là một trong 5 người đầu tiên tại xã Xuân Lộc áp dụng mô hình này. Thời điểm đó, cả xã chỉ có 5 lồng cá trắm cỏ, nuôi theo phương pháp truyền thống, do vậy, nguồn lợi kinh tế đem lại không cao.

Đến năm 2015, khi biết cục thủy sản tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Thế đã đăng ký tham gia. Sau khóa học, anh cùng một số người nuôi cá ở địa phương quyết định liên kết với nhau tạo thành tổ hợp tác nuôi cá lồng Xuân Lộc. Tham gia tổ chức này, các thành viên sẽ có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong suốt quá trình nuôi.

polyad

Anh Thế cùng các hội viên khác giúp nâng tầm cho thương hiệu cá lồng sông Đà. Ảnh: Bizmedia.

Để triển khai mô hình, tổ hợp tác Xuân Lộc đã nhờ Chi cục thủy sản khảo sát, kiểm tra vùng nước nuôi. Đó phải là vùng không bị ô nhiễm, nước không chảy xiết, ít tàu bè qua lại, đồng thời, có độ sâu hợp lý để thả lồng. Nhận thấy chi phí tương đương nhau nhưng lồng sắt bền và tiện lợi hơn so với lồng tre nứa nên anh Thế cùng các chủ cơ sở khác đã thay thế hoàn toàn lồng tre nứa bằng lồng sắt. Trong quá trình nuôi, các lồng cá đều được kiểm tra và vệ sinh 3 ngày 1 lần.

Để theo dõi sự phát triển của cá, anh Thế liên tục túc trực ở khu vực nuôi thả. Với cá trắm cỏ, anh chỉ sử dụng cỏ làm thức ăn chính. Các loại cá còn lại cho dùng thức ăn công nghiệp theo giờ, liều lượng hợp lý, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa giúp giữ vệ sinh môi trường.

Hiện tại, số lượng lồng cá tại xã Xuân Lộc lên tới 140; trong đó, gia đình anh Thế phát triển đến 50 lồng với nhiều loại cá khác nhau như cá lăng, rô phi, diêu hồng, trắm cỏ... Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường khoảng 100-130 tấn cá thành phẩm, thu về hàng tỷ đồng. 

Từ thành công bước đầu, anh Thế mong muốn người dân có thể sử dụng những sản phẩm cá sạch, an toàn cho sức khỏe, đồng thời, anh em trong tổ hợp cũng có thu nhập ổn định, yên tâm phát triển nghề nuôi cá lồng, giữ gìn thương hiệu cá sông Đà quê hương.

Phong Vân

Chia sẻ bài viết qua email