Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 11/11/2016, 10:00 (GMT+7)

Thanh long ruột đỏ 'bén rễ' trên mảnh đất khô cằn Lập Thạch

Với khả năng chịu hạn hán, phát triển tốt trên những vùng đất cằn cỗi, thanh long ruột đỏ trở thành cây trồng chính, giúp bà con Lập Thạch, Vĩnh Phúc phát triển kinh tế.

Ai có dịp đi ngang qua huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đều không thể bỏ qua hình ảnh những vườn, đồi tràn ngập màu xanh của cây thanh long ruột đỏ. Mối lương duyên giữa bà con Lập Thạch và giống thanh long ruột đỏ đến một cách tình cờ.

Năm 2007, ông Nguyễn Đình Long (giờ là Chủ tịch Hội thanh long ruột đỏ Lập Thạch) tình cờ thấy trên tivi giới thiệu về hiệu quả kinh tế cao của thanh long ruột đỏ. Ông quyết định tìm tới Đại học Nông nghiệp I mua hạt giống này về trồng thử. Sau một năm, cây bói quả. Khi ăn thấy ngon và ngọt, ông cùng mọi người trong huyện phá bỏ hết diện tích trồng bạch đàn để trồng thanh long ruột đỏ.

Vườn trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ảnh: bizmedia

Vườn trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ảnh: bizmedia.

Cây thanh long ruột đỏ thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn và phát triển tốt trên những vùng đất cằn cỗi như ở Lập Thạch. Thêm vào đó, quy trình trồng và chăm sóc giống cây ăn quả này tương đối đơn giản, thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 6 tháng. Nhờ sự giúp sức của Ủy ban nhân dân huyện Lập Thạch, người dân địa phương đã áp dụng đúng quy trình trồng, chăm sóc thanh long ruột đỏ theo mô hình VietGAP.

Những loại phân bón như NPK, phân vi sinh, phân đạm dùng để bón cho cây đều được mua trực tiếp ở các nhà máy phân bón ở Lâm Thao, Phú Thọ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, phân chuồng phải được ủ cho hoại mục rồi mới đem đi bón cây, sau đó dùng rơm rạ hay cỏ phủ lên trên để bảo đảm vệ sinh.

Nguồn nước và đất đều được người dân mang đi xét nghiệm tại những trung tâm có thẩm quyền nên đảm bảo. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đúng liều lượng theo quy định VietGAP, bởi vậy, quả thanh long đến tay người tiêu dùng không chứa hàm lượng hóa chất. Vườn thanh long ruột đỏ cũng thường xuyên được cắt tỉa những cành sâu bệnh, héo úa 2 lần một năm nhằm tập trung chất dinh dưỡng cho những cành còn xanh tốt. 

Những quả thanh long to tròn đảm bảo vệ sinh ATTP của bà con Lập Thạch. Ảnh: bizmedia

Những quả thanh long to tròn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của bà con Lập Thạch. Ảnh: bizmedia.

Ở công đoạn thu hoạch, bà con luôn đảm bảo đúng thời điểm hái, tuyệt đối không hái khi trái và tai của thanh long còn xanh, chưa đạt màu đỏ thẫm. Sau khi thu hoạch, thanh long ruột đỏ được bảo quản trong thùng xốp an toàn và bọc trong giấy báo sạch giúp tránh vi trùng, vi khuẩn xâm nhập.

Ngày 29/7/2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm "Thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc". Việc cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu đã góp phần tạo dựng uy tín, mở rộng thị trường cho sản phẩm thanh long ruột đỏ và giúp người dân nơi đây yên tâm sản xuất.

Long An

Chia sẻ bài viết qua email