Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 17/6/2017, 14:00 (GMT+7)

Phú Quốc phát triển cây tiêu đạt chuẩn GlobalGap

Canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế kết hợp phát triển du lịch sinh thái giúp người trồng tiêu của huyện đảo có thu nhập cao và ổn định hơn.

Hồ tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với gần 180.000 tấn xuất khẩu năm 2016. Tuy nhiên, mùa vụ 2016 - 2017, người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn do giá bán đầu vụ chỉ ở mức 120.000-125.000 đồng một kg.

Đầu năm nay, hồ tiêu của Việt Nam xuất sang thị trường EU và Mỹ liên tục bị cảnh báo về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép. Theo dự báo của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hồ tiêu mùa vụ 2016-2017 sẽ còn tăng cao hơn năm ngoái nên người trồng gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để cây tiêu phát triển bền vững, nhiều địa phương trong đó có Phú Quốc đã khuyến khích bà con canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGap.

Mô hình trồng tiêu tại Phú Quốc:

Phú Quốc phát triển cây tiêu
 
 

Phú Quốc có tổng diện tích trồng tiêu gần 500 ha cho sản lượng khoảng 1.250 tấn. Năm 2012, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Đại học Cần Thơ thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất tiêu Phú Quốc đạt chuẩn GlobalGap" với tổng diện tích mô hình 5ha tại 5 nhà vườn hồ tiêu ở Phú Quốc. Cả 5 cơ sở này đều được nhận chứng chỉ GlobalGap.

polyad

Tiêu hạt Phú Quốc trước khi đem phơi. Ảnh: Bizmedia.

Ông Lý Ngọc Thơ (Ấp Bún Gội, xã Cửa Dương, Phú Quốc) - một trong 5 nhà vườn tham gia mô hình này - bắt đầu chuyển đổi từ cách thức canh tác tiêu truyền thống sang tiêu chuẩn GlobalGap từ năm 2010. Trước đó, đất trồng và nguồn nước ngầm tưới đều được lấy mẫu kiểm tra, đủ điều kiện canh tác theo mô hình này. Hàng năm, đất và nước tiếp tục được lấy mẫu kiểm tra để đảm bảo môi trường đủ điều kiện sản xuất tiêu sạch. Ngoài ra, ông Thơ cũng thay phân bón hóa học thành các loại phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh.

polyad

Trồng tiêu theo chuẩn Global Gap bắt buộc hạn chế tối đa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ảnh: Bizmedia.

Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn trên đảo còn sử dụng phân bón ủ từ vỏ tôm, ghẹ, cá biển khô, xác cá, phân bò ủ trong ít nhất 3 tháng, tạo thành nguồn phân hữu cơ bón cho cây. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các nhà vườn còn được khuyến khích lắp đặt hệ thống tưới hiệu quả - kết hợp tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa cho các gốc tiêu. Phương pháp này giúp tiết kiệm nhân công và nước tưới.

Chi phí cho khoảng 1.500 gốc tiêu là trên 40 triệu đồng. Thời gian đầu, nhiều nhà vườn được Sở Nông nghiệp hỗ trợ tới 50% chi phí lắp đặt. "Dù tiêu Phú Quốc hiện cũng đang chịu ảnh hưởng chung của thị trường nhưng giá bán của tiêu GlobalGap vẫn cao hơn giá thị trường ít nhất 10%", ông Thơ cho biết.

polyad

Vườn tiêu Phú Quốc được thiết kế hệ thống tưới hiệu quả. Ảnh: Bizmedia.

Ngày nay, bên cạnh ba loại tiêu đặc trưng của Phú Quốc: tiêu đỏ (hồng tiêu), tiêu đen, tiêu sọ, người trồng trên đảo còn chế biến nhiều món ăn đặc sắc từ tiêu để thu hút khách du lịch như tiêu ngào đường, muối tiêu chanh, muối hồng tiêu… Ngoài ra, các vườn tiêu Global Gap còn phát triển mô hình du lịch sinh thái - khách du lịch không chỉ được tìm hiểu về các sản phẩm tiêu thơm ngon, tham quan các nhà vườn sản xuất theo quy trình sạch mà còn tìm hiểu về mô hình trồng tiêu và tìm mua các sản phẩm an toàn.

Nhờ phát triển mô hình tiêu sạch, đa dạng các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu và phát triển kết hợp nông nghiệp kết hợp du lịch, người dân huyện đảo có thu nhập cao và bền vững hơn.

Hà Giang

Chia sẻ bài viết qua email