Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 31/10/2016, 15:44 (GMT+7)

Những hạt 'ngọc thực' quý giá của Nam Định

Gạo sạch được sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng.

Nam Định có nguồn thổ nhưỡng dồi dào, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Từ thời xa xưa, gạo tám xoan Nam Định được coi là loại "ngọc thực" hảo hạng để tiến vua.

Hiện nay, Nam Định tập trung phát triển nhiều mô hình trồng lúa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cánh đồng lúa bát ngát tại đây luôn tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến thu hoạch để cho ra đời những hạt gạo trắng dẻo, thơm ngon.

Cánh đồng lúa theo mô hình VietGAP tại tỉnh Nam Định. Ảnh: CTTNHH Toản Xuân

Cánh đồng lúa theo mô hình VietGAP tại tỉnh Nam Định. Ảnh: CTTNHH Toản Xuân.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp phối hợp cùng bà con địa phương thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Sự phối hợp này không những nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn giúp bà con giảm gánh nặng khi tham gia trồng trọt. Mô hình trồng lúa sạch đang được nhân rộng ra các huyện có truyền thống sản xuất lúa gạo nổi tiếng như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Giao Thủy.

Hạt giống chất lượng đều được chọn lọc kỹ càng và cung cấp đầy đủ cho bà con nên mọi người chỉ cần chuyên tâm vào khâu sản xuất. Ví dụ, hạt giống lúa bắc thơm số 7 do Trung tâm Giống cây trồng Nam Định cung cấp cho người nông dân sẽ giúp loại bỏ tình trạng hạt giống kém chất lượng. Phân bón, thuốc trừ sâu cũng do doanh nghiệp lựa chọn và cung cấp miễn phí cho bà con.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Các kiến thức về quy trình giám sát sự sinh trưởng của cây lúa được bà con áp dụng thành công, từ đó sản lượng lúa qua từng mùa tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, sản lượng lúa của vụ chiêm (tháng 5/2016) đạt 900 tấn, vụ mùa (tháng 10/2016) đã tăng lên 1.200 tấn.

Những quy tắc sử dụng hóa chất cũng được bà con áp dụng một cách bài bản. Trong 20 ngày trước khi thu hoạch, bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ phun thuốc sau khi cấy lúa 40 ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp cùng nông dân Nam Định nói không với thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là sử dụng thuốc sinh học. Thuốc bảo vệ sinh học giúp phân hủy độc tố nhanh, không làm tồn dư lượng thuốc trên lúa. Người dân địa phương cũng tận dụng nguồn phân bón hữu cơ trong chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học.

Các cán bộ tỉnh đến thăm đồng lúa của người dân Nam Định. Ảnh: dantri

Các cán bộ tỉnh đến thăm đồng lúa của người dân Nam Định. Ảnh: dantri.

Đến mùa thu gặt, doanh nghiệp điều động công nhân nhà máy lái máy gặt lúa hiện đại tới tận đồng ruộng để thu hoạch lúa trực tiếp. Sau khi thu hoạch xong, hệ thống sấy tự động, xay xát và đóng gói sẽ làm các công đoạn cuối cùng để cho ra thành phẩm là những hạt gạo trắng ngần. Sức lao động của người nông dân được giải phóng hoàn toàn trong giai đoạn này.

Với công đoạn cuối cùng, các doanh nghiệp tại đây đều đầu tư những phòng kín sạch để bảo quản. Gạo sản xuất đến đâu sẽ đóng gói tới đó theo đơn đặt hàng nên vấn đề tồn đọng lúa gạo được giải quyết. Trên bao bì mỗi sản phẩm đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi mua hàng.

Để phân biệt gạo sạch với loại kém chất lượng, người nông dân Nam Định dựa vào đặc điểm bề ngoài. Gạo sạch thường hơi mờ, không bóng bẩy do có lớp cám gạo còn nguyên còn gạo kém chất lượng do sử dụng hóa chất nên hạt gạo bóng bẩy, để 6 tháng vẫn không mốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định thường xuyên phối hợp cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại của nhiều tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền miễn phí cho các sản phẩm gạo sạch của tỉnh nhà. Qua đó, các mặt hàng nông sản sạch tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng và dần loại trừ vấn nạn thực phẩm bẩn.

Huệ Chi

Chia sẻ bài viết qua email