Thứ năm, 25/4/2024
Thứ sáu, 22/6/2018, 19:00 (GMT+7)

Lúa thơm Yên Dũng mở rộng gần 8.000 ha

Cả tỉnh Bắc Giang canh tác khoảng 50.000 ha lúa, huyện Yên Dũng đóng góp 7.700 ha, diện tích lúa thơm chiếm 60%.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Yên Dũng sở hữu nền phù sa liên tục được bồi đắp từ sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Đây cũng là cơ sở tạo nên nền nông nghiệp lúa nước lâu đời.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm canh tác lâu đời, cùng sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng đưa chất lượng và sản lượng lúa gạo nơi này tăng lên. Tuy nhiên, để cây lúa phát triển bền vững, người Yên Dũng vẫn luôn hướng đến xây dựng được thương hiệu gạo đặc sản, hình thành vùng lúa gạo chất lượng cao. Từ những trăn trở này, suốt 10 năm nay, qua những cải tiến sản xuất, chọn lựa giống gạo trồng, thương hiệu “gạo thơm Yên Dũng” đã ra đời.

Các giống gạo chủ lực gồm: gạo hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Bắc hương số 9, nàng xuân, BC15… 

polyad

Gạo Yên Dũng có tiêu chuẩn chung là hạt đều, trắng ngần, hương thơm đậm. Ảnh: bacgiang.gov

Vụ chiêm 2006, giống lúa gạo thơm đầu tiên là Hương thơm số 1, được đưa vào trồng 12 ha tại xã Tư Mại. Mỗi ha lúa thơm cho thu nhập cao hơn lúa thường từ 4,5-5 triệu đồng. Giá gạo thơm cũng cao hơn gạo thường khoảng 1,5 lần.

Mô hình trồng lúa thơm bắt đầu được nhân rộng ra địa bàn xã và các địa phương lân cận. Đến nay, cây lúa thơm đã chiếm tới 50% -60% diện tích lúa gạo hàng năm của huyện.

Ngày 9/4/2008, Danh mục đề án xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá đặc sản truyền thống của tỉnh giai đoạn 2005-2010 (theo Quyết định 503/QĐ-UBND tỉnh, ) được đưa thêm sản phẩm gạo thơm Yên Dũng. 

Ngoài ra, để khuyến khích nông dân chuyên canh lúa thơm, huyện Yên Dũng ra chính sách hỗ trợ giá lúa giống, liên kết với Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cung cấp giống siêu nguyên chủng…

Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương nội đồng, trạm bơm cũng được củng cố, tu sửa. Các kỹ thuật thâm canh, tăng sản lượng lúa như canh tác lúa cải tiến SRI, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Năm 2010, sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang bắt tay thực hiện dự án “Xây dựng và đề xuất hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể Gạo thơm Yên Dũng”. Dự án này đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt.

Năm 2011, cục Sở hữu trí tuệ cung cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Yên Dũng”. Chủ sở hữu giấy chứng nhận là Hội sản xuất và tiêu thụ Gạo thơm Yên Dũng gồm 80 hội viên của 10 xã thị trấn có sản lượng gạo thơm cao của huyện.

Đi kèm với chứng nhận nhãn hiệu tập thể là logo có dòng chữ cách điệu “gạo thơm Yên Dũng” trên bao bì, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết.

polyad

Bao bì sản phẩm gạo có logo nhãn hiệu tập thể “gạo thơm Yên Dũng”. Ảnh: bacgiang.gov

Gạo Yên Dũng hiện được trồng tập trung ở các xã Cảnh Thụy, Tư Mại, Đức Giang, Tiến Dũng…

Hiện nay, dù được khuyến khích phát triển, thương hiệu này vẫn chỉ được tiêu thụ trong nước, đầu mối chủ yếu qua thương lái tư nhân. Giá gạo trung bình khoảng 12.000 - 17.000 đồng một kg, chênh lệch không đáng kể với giá gạo thường, chưa thực sự tương xứng với công sức người trồng sạch.

Do đó, nhãn hiệu tập thể được xem là bước đầu để người Yên Dũng tạo dựng thương hiệu. Nhưng để sản phẩm đi xa hơn, khẳng định uy tín chất lượng gạo sẽ còn là chặng đường dài phía trước.

Mễ Hà

Chia sẻ bài viết qua email