Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 10/9/2017, 15:00 (GMT+7)

Lão nông Vũng Tàu 10 năm trồng nhãn xuồng thu tiền tỷ

10 năm trước, ông Lê Văn Tường trồng nhãn da bò không đủ tiền cho con ăn học, sau chuyển sang 2,4ha nhãn xuồng thu một tỷ mỗi năm.

Trước khi đến với cây nhãn xuồng cơm vàng, ông Lê Văn Tường (sinh năm 1968, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) từng trồng bắp, đậu xanh... Năm 2002, theo phong trào canh tác nhãn trong xã, ông chuyển qua trồng nhãn da bò.

Vài năm sau, quả nhãn da bò mất giá. Cuộc sống gia đình ông lại càng khó khăn, không đủ tiền chăm lo các con học hành. Tiếc công, ông quyết không chặt bỏ 2,4ha vườn như nhiều hộ khác, mà tìm cách cải tiến giống và năng suất của cây. Ông tin thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây phù hợp để trồng nhãn.

polyad

Ông Lê Văn Tường trồng 2,4 ha nhãn xuồng cơm vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Bizmedia

Năm 2005, tình cờ được thương lái ở miền Tây giới thiệu giống nhãn xuồng cho quả thơm ngọt, cùi dày, ráo nước, chắc chắn sẽ được nhiều người ưa chuộng. Ông quyết định thay nhãn da bò bằng nhãn xuồng bằng cách tìm tới Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư của tỉnh xin tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cấy ghép giống.

Lão nông 50 tuổi tự tay ghép cây giống nhãn xuồng cơm vàng vào gốc nhãn da bò. Thời gian đầu khó khăn, ông Tường dồn tiền tiết kiệm, mua được 80 gốc giống nhãn xuồng từ vườn của ông Phan Văn Tư (TP Vũng Tàu) và ghép thí điểm trên một sào.

Vì chưa có kinh nghiệm, nên chỉ nửa số cây giống ghép thành công. Ông không nản chí mà tiếp tục tìm hiểu, phân tích nguyên nhân thì biết rằng không nên tiến hành ghép giống khi trời mới mưa xong. Cây ướt, mắt ghép không ăn. Khi cây mẹ (nhãn da bò) đang thời kỳ ra đọt non, lượng nước trong cây nhiều nên ghép nhãn xuồng không dính. Ngoài ra, cần chăm sóc cẩn thận và phòng trừ sâu bệnh cho cây mẹ và cây giống trước khi ghép.

polyad

Nhãn xuồng cơm ráo, ngọt, thơm. Ảnh: Bizmedia

Để có tiền mua giống nhãn xuồng cơm vàng về ghép thêm, ông Tường vừa tiếp tục chăm sóc vườn nhãn da bò còn lại để bán cho thương lái, vừa tranh thủ đi làm thuê. Sau 3 năm nỗ lực, toàn bộ 2,4 ha nhãn xuồng cơm vàng mới được ghép thành công, sinh trưởng tốt.

Năm 2009, ông Tường bắt đầu thu hoạch những quả nhãn xuồng đầu tiên, năng suất đạt 4 tấn mỗi ha. Giá bán nhãn năm đó lên tới 30.000 đồng một kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 70 triệu đồng mỗi ha, giúp cuộc sống gia đình bớt vất vả hơn. Nhiều người dân trong xã cũng bắt đầu theo ông trồng nhãn xuồng.

Mùa bẻ nhãn xuồng ở Vũng Tàu

10 năm trồng nhãn xuồng thu tiền tỷ của lão nông Vũng Tàu
 
 

Nhãn xuồng có nhược điểm là chín tập trung, cuống quả giòn dễ rụng, nếu không bán nhanh sẽ rơi hết. Nhiều lần, ông Tường phải hủy hàng không đạt như nhãn bị nấm đen, dập, rụng nhiều… Ông Tường tiếp tục tìm hiểu và được các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn cách giảm tình trạng nhãn rụng tới 80%.

Để nhãn xuồng cơm vàng có thể bán được vào các siêu thị lớn ở TP HCM, năm 2008, ông cùng với 12 hộ trồng nhãn xuồng trong xã thành lập hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Nhân Tâm. Đến nay đã có 14 hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng tham gia hợp tác xã.

Trong đó, ông Tường cùng 5 hộ trong hợp tác xã đăng ký trồng nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 6 ha. Tháng 9/2013, cả 6ha nhãn đều được chứng nhận VietGap nhờ tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân hữu cơ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh...

Hiện nay, 2,4 ha cho sản lượng nhãn xuồng cơm vàng của ông Tường đạt trung bình 10 tấn mỗi ha, được các siêu thị lớn bao tiêu với giá ổn định, mang về thu nhập khoảng một tỷ đồng mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được đến 800 triệu đồng. Năm tới, gia đình ông dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng nhãn xuồng tiêu chuẩn VietGap lên 3,4 ha.

Nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa - Vũng Tàu là loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện giá bán nhãn xuồng cơm vàng của tỉnh cao hơn so với thị trường 15.000 - 20.000 đồng mỗi kg, nhưng vẫn được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. 

Ánh Tuyết

Chia sẻ bài viết qua email