Thứ ba, 19/3/2024
Thứ ba, 15/5/2018, 15:00 (GMT+7)

Kon Tum bảo tồn giống sâm quý giá 85 triệu đồng mỗi kg

Tỉnh phối hợp với doanh nghiệp và nông dân bảo tồn thành công gần 316 ha sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng.

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên vùng núi Ngọc Linh, thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đây là một trong 4 loài sâm tốt nhất thế giới, thân và rễ củ chứa đến 52 hợp chất saponin với hàm lượng cao, có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, chống lão hóa, ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch...

Tại phiên chợ sâm lần thứ 6 tổ chức tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh được bán với giá 85 triệu đồng mỗi kg. Nhận thấy giống sâm phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên, ở độ cao 1.500m trở lên và có độ che phủ từ 80%, nên UBND tỉnh Kon Tum đã quy hoạch nhân trồng tại hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

polyad

Sâm củ Ngọc Linh. Ảnh: Thế Binh

Giai đoạn năm 2000-2004, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum phối hợp với Viện Dược liệu Hà Nội triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn và nhân giống sâm Ngọc Linh. Kết thúc đề tài, đã có 0,5 ha sâm Ngọc Linh hình thành và bàn giao cho Trung tâm Kinh doanh và Phát triển Sâm Ngọc Linh (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) để tiếp tục theo đuổi dự án.

Theo quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2015, UBND tỉnh Kon Tum dự kiến mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh lên 10.000 ha. Vùng trồng tập trung ở huyện Đăk Glei (3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp) và huyện Tu Mơ Rông (5 xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi). Tổng kinh phí thực gần 25 tỷ đồng, bao gồm chi phí trồng và chăm sóc sâm, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân liên kết trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng như: Cho nhà đầu tư, hộ nông dân trồng sâm vay vốn từ quỹ đầu tư của tỉnh, áp mức giá cho thuê rừng thấp 600.000 đồng mỗi ha mỗi năm… Bên cạnh đó, từng bước chuẩn hóa quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sâm sau thu hoạch.

Mô hình liên kết bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng sâm hiện được nhiều doanh nghiệp áp dụng, trong đó có Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Nông dân chăm sóc, bảo vệ vườn sâm được nhận lương 34 triệu đồng mỗi tháng, hỗ trợ gạo, thực phẩm và nhận cây sâm giống để trồng.

polyad

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng. Ảnh: Thế Binh

Tính đến nay, Kon Tum đã trồng được 315,73 ha sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông (15 ha của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và 300 ha của Công ty Cổ phầm Sâm Ngọc Linh Kon Tum). Đây là hai đơn vị được tỉnh cấp phép đầu tư, có khả năng kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đầy đủ điều kiện để xây dựng và duy trì thương hiệu sâm Ngọc Linh. 

Cuối năm 2016, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến, để cho ra đời những sản phẩm sâm Ngọc Linh thương mại đầu tiên dạng viên ngậm, tinh sâm, trà sâm, sấy khô…

Đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum tiếp tục thuê 4.600 ha để trồng sâm dưới tán rừng với công suất thiết kế 500 kg củ tươi mỗi năm. Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu và Phát triển Sâm Ngọc Linh thuộc dự án tổng thể “Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, cũng được xây dựng và nhận 20 ha đất để triển khai thực hiện.

Sâm củ Ngọc Linh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý và bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia từ tháng 6/2017. Cùng với các cơ quan chức năng, Hội Sâm Ngọc Linh cũng được thành lập để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, hỗ trợ các thành viên trong việc bảo tồn, phát triển sản xuất và kinh doanh. 

Ánh Tuyết 

Chia sẻ bài viết qua email