Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 21/6/2018, 09:30 (GMT+7)

Kinh nghiệm trồng dưa lưới năng suất cao

Ngoài đầu tư ban đầu cho giống, nhà lưới, nhân công, dưa lưới còn đòi hỏi người trồng am hiểu kỹ thuật và quy trình chăm sóc tỉ mỉ.

Nhận thấy dưa lưới được thị trường ưa chuộng, vụ đông-xuân năm 2017-2018, chị Đỗ Thị Cúc, tại Vân Hội, Tam Dương, Vĩnh Phúc trồng thử 3 sào ngoài trời. 

Chị cho biết, dưa lưới nắng quá quả dễ bị nứt vỏ, gặp mưa quả dễ thối, dù đã treo và kê nhưng quả dưa vẫn nám một bên, mẫu mã không đẹp. Ngoài ra, do nhiều loại côn trùng đục, chích quả nên chị Cúc phải dùng bẫy và xử lý thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên cho đến một tháng trước khi thu hoạch.

Toàn thời gian cây sinh trưởng tốt. Dưa cho quả to, mỗi dây chị để lại một quả. Nhưng trước khi thu một tuần, gặp trận mưa lớn đầu mùa, dưa thối nhiều, mỗi sào thu về khoảng 30 quả, chỉ đủ gia đình ăn.

polyad

Dưa lưới được thị trường ưa chuộng nhưng khó trồng ngoài trời. Ảnh: Bizmedia

Hiện nay, dù dưa lưới đã trồng thành công tại Việt Nam khoảng 10 năm, nhưng các mô hình thành công hầu hết đều là trong nhà lưới. 

Để vườn dưa đạt năng suất tốt, quả đẹp, thị trường ổn định, người trồng phải bỏ ra từ 300-500 triệu đồng cho tới cả tỷ đồng. Vốn đầu tư tập trung vào hệ thống tưới tự động, giống, giá thể, giàn, thông gió… cho 1.000 m2 nhà lưới. Theo người trồng, nếu vốn ít thì khó mà đầu tư trồng dưa lưới.

Ông Nguyễn Minh Bửu là một trong những người đầu tiên trồng thành công dưa lưới vỏ xanh ở huyện An Phú, An Giang. Ông lựa chọn giống cây trồng này vì giá bán ổn định và lợi nhuận cao.

Năm 2013, lão nông tham gia lớp tập huấn "Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu" tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, do chuyên gia Hà Lan hướng dẫn. Sau khi tìm hiểu thêm, nắm chắc kỹ thuật, ông Bửu mới đầu tư trồng 1.000 m2. Sản lượng trung bình là 2,5 tấn trên 1.000 m2. Mỗi vụ, ông Bửu thu lời khoảng 150 triệu.

polyad

Ông Bửu là một trong những người đầu tiên trồng thành công dưa lưới tại An Giang.

Chị Nguyễn Như Ngọc là một trong những hộ đầu tiên trồng dưa lưới tại Dầu Tiếng. Chị lựa chọn dưa lưới hột cam và bắt đầu trồng trong nhà lưới rộng 6.000 m2.

Dưa hột cam giống F1 Đài Loan cho quả đều, đẹp, mùi thơm, vị ngọt, ăn giòn, được thị trường ưa chuộng. Trồng thử hiệu quả, chủ vườn dưa nâng diện tích lên 2 ha. Sản lượng mỗi vụ có thể đạt tới 35 tấn một ha. Theo chị, trồng dưa lưới ngoài chi phí đầu tư ban đầu còn đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc.

Để dưa cho sinh trưởng tốt, trước khi trồng cần xử lý đất hoặc giá thể, mặt luống phải đầu tư trải bạt để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm hoặc đầu tư giá thể. Ngoài phòng côn trùng, cây non sinh trưởng còn cần phòng nấm, thối rễ, héo lá. Khi cây phát triển, người trồng phải theo dõi để cuốn dây, tỉa bớt cành, lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Thời điểm cây ra hoa, nhà vườn phải thuê nhân công thụ phấn bằng tay hoặc thuê ong thụ phấn đồng loạt để có sản lượng tốt. Thời điểm cây ra quả, đeo trái phải tiếp tục tỉa cành, chỉ giữ lại một quả mỗi dây để đảm bảo chất lượng quả tốt. 

Người Bà Rịa - Vũng Tàu, rút nước để tăng độ ngọt cho dưa
 
 

Dưa lưới là trái cây quen thuộc mùa hè. Hiện, giống cây ngoại nhập này có thể trồng được khắp cả nước từ Lào Cai đến các tỉnh miền Tây. Dưa lưới mọng nước, giàu vitamin, được gọi là loại dưa “vua” bởi cả giá trị dinh dưỡng và đặc điểm khó trồng ở điều kiện ngoài trời.

Có nguồn gốc từ châu Phi, Ấn Độ, dưa lưới được đưa về trồng tại Việt Nam khoảng 10 năm nay. Tùy vào từng giống dưa mà trọng lượng quả sau thu hoạch có thể đạt từ 1,5 đến 1,7 kg hay 3,2 đến 3,5 kg. Giá bán dưa ổn định mức 30.000-35.000 đồng một kg, đem lại cho người trồng thu nhập đáng kể.

Thư Kỳ

Chia sẻ bài viết qua email