Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 27/4/2018, 09:00 (GMT+7)

Kinh Môn thí điểm trồng tỏi hữu cơ xuất sang Nhật Bản

Vụ đông 2017-2018, huyện Kinh môn (Hải Dương) thí điểm trồng 0,65 ha tỏi hữu cơ để làm tỏi đen và tiến tới xuất khẩu.

Nhiều năm qua, hành, tỏi đã trở thành cây trồng thế mạnh của vùng đất Kinh Môn. Với diện tích canh tác hơn 3.000 ha, trung bình mỗi năm tổng sản lượng đạt khoảng 300.000 tấn, tiêu thụ nội tỉnh và nhiều thị trường trong nước.

Thành quả ban đầu có được phần lớn nhờ các chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất của huyện Kinh Môn. Theo ông Nguyễn Xuân Hạ - Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, ngoài việc động viên nông dân bằng các chính sách hỗ trợ, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng sản xuất, quy hoạch những vùng chuyên canh mang lại giá trị kinh tế.

Cụ thể, huyện khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tạo vùng nguyên liệu. Từ năm 2015, đề án “Dồn điền đổi thửa” đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư, nâng cao hiệu quả hành, tỏi. Hệ thống mương máng, giao thông nội đồng được quy hoạch thuận lợi cho việc trồng trọt, di chuyển máy móc làm đất.

Vựa hành, tỏi Kinh Môn

Kinh Môn thí điểm trồng tỏi hữu cơ xuất sang Nhật Bản
 
 
 

Vụ đông 2017 - 2018, huyện phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thí điểm trồng tỏi theo phương thức hữu cơ trên diện tích 0,65 ha tại các xã Hiến Thành, An Sinh, Hiệp Hòa, Thượng Quận, Bạch Đằng. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỏi theo hướng không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Việc trồng tỏi hữu cơ mở ra hướng phát triển mới cho cây tỏi. Nếu hiệu quả cao, Kinh Môn sẽ nhận rộng mô hình này để có nguyên liệu sạch phục vụ chế biến thực phẩm chức năng, làm tỏi đen.

Không chỉ có tiếng ở trong khu vực, hành tỏi Kinh Môn còn gây được ấn tượng tốt ở cả thị trường nước ngoài. Đoàn khảo sát Hiệp hội Hợp tác xã Nghiệp đoàn Farmers Coop của Nhật Bản mới đây đã đến khảo sát, tìm hiểu tình hình sản xuất cây tỏi ở Kinh Môn.

Tại đây, Farmers Coop thu thập các thông tin cần thiết làm cơ sở nghiên cứu và triển khai dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch và phát triển cây tỏi Kinh Môn trong thời gian tới. Theo đó, hiệp hội sẽ hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ trong sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời bao tiêu xuất khẩu tỏi sang thị trường Nhật Bản, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho bà con.

Vũ Đậu

Chia sẻ bài viết qua email