Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 19/7/2018, 15:00 (GMT+7)

Cô gái Thái Nguyên làm mát-cha từ búp trà Tân Cương

Không bán trà theo cách bố mẹ và ông bà vẫn làm, Ngọc quyết tâm tạo ra sản phẩm mới trên vùng đất "đệ nhất danh trà".

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng chè ở Đại Từ, Thái Nguyên, tuổi thơ của Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1991) gắn liền với những đồi chè. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thái Nguyên, với chuyên ngành kỹ thuật, vốn tiếng Anh tốt, Ngọc có cơ hội làm việc ở nhiều nơi như Hà Nội, Quảng Ninh với mức lương cao.

"Tuy nhiên, suốt hơn 20 năm chứng kiến nhiều thay đổi của vùng đất danh trà, thấy những vườn chè hóa chất đe dọa sức khỏe người trồng, ảnh hưởng niềm tin người sử dụng, tôi nhận thấy sứ mệnh của mình không phải ở nơi văn phòng máy lạnh, trong công việc xa lạ với nghề của cha ông", Bích Ngọc nói.

Bích Ngọc quyết tâm từ bỏ công việc văn phòng trở về làm trà. Ảnh: ngoctra.com

Bích Ngọc quyết tâm từ bỏ công việc văn phòng trở về làm trà. Ảnh: ngoctra.com

Sau khi tham dự một khóa học về VietGAP, cô gái Thái Nguyên càng nhận thức rõ hơn nghề cô thực sự muốn làm không phải là trong phòng máy lạnh mà chính là nông nghiệp. Vì vậy, năm 2015, cô quyết tâm trở về quê nhà với cây chè mặc gia đình phản đối.

Không muốn trồng chè và bán sản phẩm như cách truyền thống mà bố mẹ và nhiều người Thái Nguyên khác vẫn làm, Ngọc cho rằng bản thân cần phải tìm hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Một lần, tình cờ đọc được các bài viết về trà Matcha của Nhật Bản, trong đầu Ngọc dần định hình về con đường mình sẽ đi, đó là tạo ra được những sản phẩm trà sạch chất lượng và mang trà Việt ra thế giới.

Cô may mắn nhận được sự giúp đỡ của các thầy giáo ở trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên nên nhanh chóng học cách sao chế bột trà xanh Matcha từ chính những búp chè Tân Cương quê hương.

Ngọc kiên nhẫn gây dựng vườn chè sinh thái không hóa chất, không thuốc trừ cỏ. Ảnh: ngoctra.com

Ngọc kiên nhẫn gây dựng vườn chè sinh thái không hóa chất, không thuốc trừ cỏ. Ảnh: ngoctra.com

Để có sản phẩm sạch, yêu cầu bắt buộc đầu tiên là phải có nguyên liệu sạch, Ngọc quay lại đầu tư và thay đổi cách trồng trà tại quê nhà. Cô gái trẻ không dùng thuốc trừ cỏ, không hóa chất BVTV, không phân bón hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng. Cô lăn lộn khắp vùng đất Tân Cương, Thái Nguyên, tìm gặp các hộ gia đình để hợp tác trong việc trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP hỏi kinh nghiệm.

Khi nguyên liệu đã tạm ổn, Ngọc lại phải đối mặt với khó khăn trong sản xuất. Không ít lần cô phải đổ bỏ chè do cách chế biến bằng máy móc không phù hợp. Hơn nữa, nguồn vốn quá eo hẹp, công việc sản xuất đôi khi tưởng phải dừng lại giữa chừng.

Không bỏ cuộc, Ngọc tham gia nhiều chương trình học về quy trình trồng sạch, khởi nghiệp nông nghiệp để bổ sung kiến thức, tranh thủ mọi cơ hội tham gia hội chợ kết nối quảng bá trong Nam ngoài Bắc để tìm thị trường.

Năm 2017, sản phẩm trà Matcha Ngọc chính thức đưa ra thị trường. Một trong những bí quyết làm trà mat-cha của cô gái này là che phủ vườn trà trong vòng 20 ngày trước khi thu hái nhằm giữ lại nhiều diệp lục tố trong lá, khi làm matcha sẽ giữ được màu xanh ngọc đẹp mắt. Búp trà được thu hái bằng tay, và chỉ lựa chọn các lá non và búp để hái. Sau đó, búp và lá non được hấp chín trong 30 giây để ngăn chặn quá trình oxy hóa. Quá trình này còn giúp giữ lại màu tự nhiên, hương thơm và chất dinh dưỡng trong lá. Tiếp đến, trà được thổi khô, lọc cọng rồi đem nghiền trong cối đá granit để có độ mịn nhất.

Bộ sản phẩm matcha đa dạng của Ngọc sản xuất từ chè Tân Cương. Ảnh: ngoctra.com

Bộ sản phẩm matcha đa dạng của Ngọc sản xuất từ chè Tân Cương. Ảnh: ngoctra.com

Đến nay, với diện tích nhà xưởng rộng 30m2 gồm các thiết bị máy móc phục vụ cho công đoạn sản xuất các sản phẩm từ chè, cơ sở sản xuất của Ngọc đã cho ra đời 4 sản phẩm trà xanh truyền thống, một sản phẩm trà túi lọc và 5 sản phẩm trà Matcha cung ứng cho thị trường.

Mới đây, Ngọc còn xuất xưởng thêm một sản phẩm trà búp đen mới. Với trà búp đen, cô thuê chính những người dân trong vùng có kinh nghiệm sao sấy theo kiểu truyền thống mà vẫn tuân thủ quy trình sản xuất khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngọc cho biết, sản lượng trà búp đen chưa nhiều và cơ sở cũng chỉ mới xuất bán cho vài đơn vị, tuy nhiên, đây là dòng sản phẩm tiềm năng.

Hiện các sản phẩm đã có đại lý và nhà phân phối ở Thái Nguyên, TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang... mang lại cho cô gái xứ chè thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng.

Vũ Đậu

Chia sẻ bài viết qua email