Thứ ba, 19/3/2024
Thứ ba, 20/3/2018, 14:00 (GMT+7)

3 cách tăng đầu ra cho củ cải

Củ cải tươi tiêu thụ không hết, nên nhiều tỉnh đầu tư máy móc để muối phên, sấy khô hoặc thử nghiệm loại giống mới.

Củ cải dễ trồng, tiện chăm sóc, năng suất cao nên được nhiều địa phương phía Bắc chọn trồng vào vụ đông. Tuy nhiên, củ cải năm nay được mùa dẫn đến giá thành thấp. Để tránh vứt bỏ, nông dân nhiều nơi đã đa dạng cách chế biến, tăng thời gian bảo quản, hoặc trồng theo tiêu chuẩn sạch để đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua.

Củ cải muối phên Quảng Ninh

polyad

Củ cải sấy khô bằng máy ở Quảng Ninh. Ảnh: Bizmedia

Huyện Đầm Hà nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh. Chất đất thịt pha cát được đắp bồi trên nền phù sa lâu đời của sông Đầm Hà giúp củ cải sinh trưởng tốt, to bằng bắp tay.

Theo người địa phương, thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây khiến củ cải Đầm Hà có vị ngọt, vỏ nhẵn, thịt dầy, ít xơ, nặng từ 300g đến một kg. Từ những năm tháng khốn khó, nông dân đã nghĩ ra cách làm củ cải khô, phên, muối.. ăn với cơm. Đến khi cuộc sống no đủ hơn, các món ăn này trở thành đặc sản giúp người dân phát triển kinh tế địa phương.

Sau thu hoạch, củ cải được cắt nhỏ, phơi 3 nắng, ủ 1-2 ngày rồi lại phơi tiếp, liên tục đến khi đạt chất lượng giòn, dai, màu nâu đẹp mắt. Người dân có bí quyết riêng căn chỉnh thời gian phơi, độ mặn muối. Giá bán 150.000 mỗi kg củ cải khô và 50.000 đồng mỗi kg củ cải phên.

3 cách tăng đầu ra cho củ cải của nông dân miền Bắc
 
 

Củ cải trồng chính vào vụ đông xuân, thời điểm từ tháng 9 đến 12. Từ năm 2014, theo chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) của tỉnh Quảng Ninh, củ cải Đầm Hà được chọn đưa vào danh sách đặc sản cần xúc tiến quảng bá.

Mô hình này tạo điều kiện cho cây củ cải được trồng tập trung, chuẩn hóa quy trình phên theo tiêu chuẩn sạch, đóng gói và dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hợp tác xã nông nghiệp Trường Sơn là một trong những đơn vị liên kết với nông dân chế biến củ cải phên trên vùng nguyên liệu rộng khoảng 35 ha tại xã Quảng Lợi.

Đầu năm 2015, sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tạo điều kiện cho huyện hình thành vùng sản xuất tập trung và quảng bá thương hiệu.

Củ cải sấy khô Hà Giang

Huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) hiện có khoảng 300 ha trồng củ cải nương, sản lượng 20 tấn mỗi ha. Mỗi vụ cụ cải kéo dài khoảng 3 tháng. Vụ đầu diễn ra vào tháng 9-12, vụ sau từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. 

Hợp tác xã Thương mại, Dịch vụ và Chế biến Nông, Lâm sản Hoàng Su Phì (xã Tân Tiến) đang là đầu mối liên kết chính với nông dân để sơ chế và sản xuất củ cải sấy khô.

Củ cải nương
 
 
 

Củ cải sau khi thu hoạch chuyển về điểm sơ chế của hợp tác xã, chọn củ to đều, chưa quá lứa, bên trong không xốp. Tại đây, củ cải được rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài, sau đó đưa vào máy cắt thành sợi, rửa lại với nước, rồi sấy khô bằng công nghệ nhiệt hơi nước bão hòa.

Với cách làm này, nhiệt sẽ làm nóng nước, từ đó sấy khô củ cải trong khoảng 12 giờ. Máy sẽ đảo liên tục đều mặt trên và dưới. Thành phẩm có màu vàng nâu, sợi dai, giòn, thời gian bảo quản đến một năm và thuận lợi cho vận chuyển đi xa.

polyad

Củ cải nương Hoàng Su Phì sấy khô.  

Củ cải giống mới ở Hòa Bình

Tại huyện Tân Lạc, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến đang trồng 3 giống củ cải: trắng dài, trắng và đỏ Hàn Quốc. Các giống này không to như củ cải ta, nhưng vị ngọt, cùi dày, thời gian sinh trưởng ngắn và đồng đều.

Nhờ khí hậu mát mẻ, củ cải trồng được quanh năm. Tùy theo nhu cầu thị trường và lượng đơn đặt hàng, hợp tác xã sẽ ra kế hoạch mở rộng hay giảm bớt diện tích trồng mỗi vụ. Hiện, vụ củ cải mới sẽ cho thu hoạch vào tháng 4.

Ngoài đầu tư chọn nguồn giống tốt, bà con còn tuân thủ quy trình canh tác sạch theo hướng VietGap để cung cấp cho các thành phố lớn. Vào vụ, mỗi ngày hợp tác xã phân phối ít nhất 2 tạ củ cải tươi cho các cửa hàng nông sản sạch tại Hòa Bình và Hà Nội.

polyad

Củ cải của Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến.

Chị Quyết, chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: "Việc gom bà con lại tập trung sản xuất theo mô hình hợp tác xã sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều hơn. Mọi người cùng nhau làm, cùng đóng gói gắn tem thương hiệu chung. Sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, các công tác kiểm định cũng thuận lợi, nhờ đó mà tìm đầu ra dễ dàng hơn".

Hải Anh

Chia sẻ bài viết qua email