![]() |
Ông Vũ Mão. Ảnh: Tuổi Trẻ |
- Nhiều đại biểu cho rằng nên có 2-3 ứng viên cho một vị trí nhân sự chủ chốt, là người nhiều năm công tác tại QH, quan điểm của ông thế nào?
- Điều 4 Hiến pháp quy định rõ Đảng lãnh đạo nhà nước, xã hội. Do đó, BCH TƯ Đảng có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự các chức danh chủ chốt. Đây là cả một quá trình rất công phu. Sau đó, Đảng giới thiệu ra QH. Mỗi chức danh chủ chốt Đảng chỉ giới thiệu 1 cán bộ ưu tú nhất. Còn việc chỉ có 1 ứng cử viên hoặc nhiều hơn để bầu chọn thì do QH thảo luận và quyết định.
Tuy nhiên, trong lịch sử năm 1988 khi đó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng mất, QH phải bầu Chủ tịch mới. BCH TƯ Đảng giới thiệu đồng chí Đỗ Mười và Hội đồng nhà nước đã giới thiệu với QH ứng cử viên Đỗ Mười. QH đồng ý với giới thiệu trên tuy nhiên có 33 đoàn đề nghị giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt để bầu chọn. Thời điểm đó, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh rất tôn trọng ý kiến của QH, đề nghị Bộ Chính trị, BCH TƯ để 2 ứng cử viên ra QH bầu. Tại kỳ họp đó, đồng chí Đỗ Mười đã trúng cử với 63% số phiếu.
- Một số đại biểu QH cho rằng, theo thông lệ, các nhân sự chủ chốt thường là Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng hiện các Ủy viên Bộ Chính trị đã được phân công nhiệm vụ nên họ rất khó giới thiệu thêm các ứng cử viên?
- Đúng là có thực tế đó, hiện các Ủy viên Bộ Chính trị đã có nhiệm vụ cụ thể. Nhưng tôi cho rằng, nếu chỉ có vài ba đại biểu có ý kiến thì là chuyện khác, còn nếu số đông đại biểu QH muốn có thêm ứng cử viên thì tôi tin Đảng sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của nhân dân, QH. Trở lại sự kiện năm 1988, đồng chí Võ Văn Kiệt (được các đoàn đại biểu QH giới thiệu) khi đó cũng là Ủy viên Bộ Chính trị và cũng đang có nhiệm vụ cụ thể.
- Có ý kiến cho rằng, ứng viên do đại biểu QH giới thiệu rất ít khả năng trúng cử vì không có quá trình chuẩn bị, không được sự hậu thuẫn tốt như ứng viên do TƯ Đảng đã dày công lựa chọn và giới thiệu. Ông bình luận thế nào về ý kiến trên?
- Quy trình để Đảng giới thiệu nhân sự rất công phu được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng con người không ai trọn vẹn nên có thể có đại biểu chưa thỏa mãn. Nếu đại biểu giới thiệu một người chưa có quá trình chuẩn bị thì người ta cũng xin rút. Vì vậy, bản thân đại biểu QH muốn giới thiệu thêm ứng cử viên cũng phải cân nhắc kỹ.
- Vậy ông nghĩ thế nào trước đề xuất QH nên có một quy trình đề bạt chức danh lãnh đạo với những tiêu chí cụ thể để các ứng cử viên do QH giới thiệu có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng?
- Mục đích của chúng ta là chọn được người xứng đáng. Như trên tôi đã nói, Đảng chỉ giới thiệu 1 ứng viên cho mỗi vị trí. Còn nếu ra QH đa số đại biểu muốn giới thiệu thêm một ứng cử viên nữa và cần thời gian thảo luận, thì chắc QH sẽ dành thêm thời gian thỏa thỏa đáng.
- Thời gian qua, dư luận bức xúc với công tác điều hành của một số bộ như Giao thông vận tải và mong muốn vị tân bộ trưởng sẽ có những cam kết khắc phục yếu kém. Tại sao chúng ta không thực hiện điều này?
- Tôi hiểu là mong muốn của đại biểu, nhân dân muốn hiểu rất sâu về các bộ trưởng và mong bộ trưởng phải có chương trình hành động báo cáo trước QH. Đây là ý tưởng hay nhưng theo các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể.
Riêng cá nhân tôi không chỉ muốn Bộ trưởng Giao thông Vận tải mà tất cả bộ trưởng đều xuất hiện trước QH, trình bày chương trình hành động hoặc ít nhất là suy nghĩ của cá nhân nếu được QH giao trọng trách. Tuy nhiên, khi chưa có quy định trong các văn bản pháp luật thì không dễ gì thực hiện được ngay.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đang đổi mới, đang hoàn thiện hệ thống pháp luật. Những vấn đề được đặt ra như thế nếu có lợi cho đất nước nhất định sẽ được được nghiên cứu và bổ sung. Tôi hy vọng ở những lần bầu cử sau việc công bố chương trình hành động của các ứng viên sẽ thành hiện thực.
- Tại ĐH Đảng vừa rồi, một số bộ trưởng được BCH TƯ giới thiệu nhưng không được Đại hội Đảng X tín nhiệm bầu. Vậy có nên xem xét việc miễn nhiệm các vị này?
- Việc thay thế một số thành viên Chính phủ tại kỳ họp QH này không phải là đầu nhiệm kỳ (tại kỳ họp thứ nhất) mà là trong nhiệm kỳ, nhằm củng cố một số vị trí. Việc thay thế nhân sự Chính phủ là thẩm quyền của Thủ tướng. Có thể Thủ tướng thấy một số vị tuy không tham gia BCH TƯ Đảng X nhưng vẫn có thể đảm nhận công việc đến hết nhiệm kỳ nên không trình QH thay thế.
- Thưa ông, tại sao chúng ta không công khai sớm danh tính các ứng cử viên vào các vị trí chủ chốt để nhân dân biết và giám sát?
- Việc sớm công khai danh tính ứng cử viên chủ chốt không quy định trong luật, chúng ta phải làm theo luật. Nhưng nếu qua ý kiến nhân dân và các vị đại biểu QH, thấy rằng việc sớm công khai danh tính các ứng cử viên là cần thiết, tốt cho đất nước thì tôi tin vấn đề này sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung vào các văn bản pháp luật.
Việt Anh thực hiện