Thứ hai, 7/5/2018, 00:00 (GMT+7)

Điệp vụ giải cứu 18.000 người Do Thái của tình báo Israel hơn 40 năm trước

Các mật vụ Israel từng dựng lên một khu nghỉ dưỡng bình phong ở Sudan để giúp giải cứu hàng chục nghìn người tị nạn Do Thái gốc Ethiopia.

Nằm bên bờ Biển Đỏ, làng Arous là một khu nghỉ dưỡng thanh bình giữa sa mạc Sudan. Tuy nhiên, dưới lớp vỏ bọc ấy, nó còn là căn cứ của các mật vụ Israel với một điệp vụ bí mật, theo BBC.

"Arous bên bờ Biển Đỏ, một điểm đến tuyệt vời tách biệt với thế giới, trung tâm giải trí và lặn biển của Sudan", đó là những dòng được viết trong cuốn sách nhỏ quảng bá du lịch cho Arous.

Tờ quảng cáo giới thiệu về khu du lịch lặn biển làng Arous. Ảnh: BBC.

Công ty du lịch quốc tế Sudan đã cho một nhóm doanh nghiệp châu Âu thuê địa điểm này để họ đưa những du khách nước ngoài đầu tiên đến Sudan. Điều duy nhất mà các du khách và nhà chức trách không biết là khu nghỉ dưỡng lặn biển Arous chỉ là một cơ sở kinh doanh bình phong.

Nó là một cơ sở được các mật vụ thuộc Mossad, cơ quan tình báo Israel, thiết lập và điều hành trong hơn 4 năm vào đầu thập niên 1980. Họ sử dụng nơi đây để che giấu một sứ mệnh nhân đạo đặc biệt nhằm giải cứu hàng chục nghìn người Do Thái gốc Ethiopia bị kẹt trong các trại tị nạn Sudan và đưa họ đến Israel.

Sứ mệnh giải cứu bí mật

Sudan là đất nước Arab đối địch với Israel nên sứ mệnh giải cứu phải được thực hiện mà không để ai phát hiện, kể cả ở Sudan lẫn Israel. "Đó là bí mật quốc gia và không ai nói về nó. Ngay cả gia đình tôi cũng không biết gì", Gad Shimron, một trong những mật vụ của Mossad từng hoạt động ở làng Arous, cho hay.

Gad Shimron bên một con thuyền gần làng Arous. Ảnh: BBC.

Người Do Thái gốc Ethiopia thuộc về một cộng đồng được gọi là Beta Israel mà nguồn gốc cho đến nay vẫn còn bí ẩn. Nhiều người cho rằng họ là hậu duệ của một trong 10 bộ tộc bị thất lạc trước đây của các vương quốc cổ đại Israel hoặc là những người Do Thái theo chân con trai của Nữ hoàng Sheba và Vua Solomon trở về Ethiopia vào khoảng năm 950 trước Công nguyên.

Những người khác lại nói họ chạy qua Ethiopia sau khi vua Naboukhodonosor II của Vương triều Chaldea xứ Babylon bao vây Jerusalem và phá hủy ngôi đền Do Thái đầu tiên tại đây vào năm 586 trước Công nguyên. Bị cô lập với phần còn lại của cộng đồng người Do Thái trong hàng nghìn năm, họ tin mình là những người Do Thái cuối cùng trên thế giới.

Năm 1977, ông Ferede Aklum, một trong những thành viên của cộng đồng người Do Thái gốc Ethiopia, gia nhập dòng người tị nạn băng qua biên giới Ethiopia tiến vào lãnh thổ Sudan để trốn chạy khỏi cuộc nội chiến và cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng ở Ethiopia.

Ông Ferede Aklum (trái). Ảnh: AAEJ Archives Online.

Ông đã gửi thư cho các cơ quan cứu trợ quốc tế để cầu xin sự giúp đỡ và một trong những bức thư này lọt vào tay Mossad. Từng là người tị nạn Do Thái ở châu Âu lúc bị phát xít Đức chiếm đóng, ông Menachem Begin, thủ tướng Israel lúc bấy giờ, xem đất nước Israel là nơi trú ẩn an toàn cho người Do Thái đang gặp nạn trên khắp thế giới, bao gồm cả cộng đồng Do Thái gốc Ethiopia. Vì vậy, ông chỉ đạo Mossad hành động.

Một mật vụ Mossad bắt liên lạc với Aklum và ông lập tức loan báo cho cộng đồng của mình rằng có cơ hội tốt để đến Jerusalem từ Sudan hơn là từ Ethiopia, nơi kiểm soát di cư nghiêm ngặt.

Là một đất nước với phần đông dân số theo đạo Hồi, Sudan hầu như không có người Do Thái nào sinh sống, vì vậy, những người tị nạn Do Thái gốc Ethiopia được yêu cầu không tiết lộ tôn giáo để dễ dàng hòa lẫn vào dòng người tị nạn và không bị cảnh sát mật Sudan bắt.

Người Do Thái gốc Ethiopia ở Sudan năm 1983. Ảnh: AAEJ Archives Online.

Gần như ngay tức khắc sau chỉ thị từ thủ tướng Israel, một số điệp vụ giải cứu quy mô nhỏ được tiến hành. Những người Do Thái gốc Ethiopia thoát nhanh ra khỏi Sudan và đến châu Âu bằng giấy tờ giả rồi được đưa tới Israel.

Dù vậy, việc tiếp cận bờ Biển Đỏ của Sudan mang lại khả năng thúc đẩy nhanh các hoạt động giải cứu với quy mô khác hoàn toàn."Chúng tôi đã liên lạc với hải quân Israel để nhờ giúp đỡ", một mật vụ cấp cao Mossad tham gia sứ mệnh giải cứu cho hay.

Sau khi nhận được sự đồng ý của hải quân Israel, hai mật vụ Mossad đến Sudan để tìm kiếm các bãi biển có thể làm nơi đổ bộ. Họ tình cờ phát hiện ra ngôi làng sa mạc Arous nằm bên bờ biển hoang vắng.

"Đối với chúng tôi, đấy là món quà trời cho. Nếu chúng tôi kiểm soát ngôi làng này và tôn tạo nó, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đang điều hành một ngôi làng du lịch lặn biển và điều đó cho chúng tôi cái cớ để lưu lại Sudan và hơn nữa là để di chuyển quanh khu vực gần bãi biển của ngôi làng", viên mật vụ Mossad giấu tên nói.

Khu nghỉ dưỡng bình phong

Hình ảnh khu nghỉ dưỡng Arous chụp từ vệ tinh và vị trí khu nghỉ dưỡng. Ảnh: BBC.

Được hoàn thành vào năm 1972 bởi các doanh nhân người Italy, khu nghỉ dưỡng lặn biển Arous là một tổ hợp 15 nhà gỗ lợp mái màu đỏ, một nhà bếp, một phòng ăn lớn nhìn ra biển và một khu đầm phá. Tuy nhiên, vì không có điện, hệ thống cung cấp nước sạch cũng như đường dẫn vào, những doanh nhân Italy đã phải từ bỏ nơi này.

"Đó là nơi thực sự khó vận hành nếu không có sự hỗ trợ đằng sau của Mossad", viên mật vụ giấu tên nhận xét.

Sử dụng hộ chiếu giả, một nhóm mật vụ đã đóng vai những nhân viên của một công ty Thụy Sĩ đến Sudan nhằm thuyết phục nhà chức trách về ý tưởng kinh doanh của họ. Cuối cùng, họ được phép thuê ngôi làng Arous trong ba năm với giá 320.000 USD.

Các mật vụ Mossad dành năm đầu tiên để tu tạo ngôi làng và ký kết thỏa thuận cung cấp nước sạch, nhiên liệu với các công ty địa phương.

Khu nghỉ dưỡng Arous được lắp đặt những thiết bị do Israel sản xuất, bao gồm máy điều hòa nhiệt độ, các động cơ gắn ngoài tàu và các dụng cụ thể thao dưới nước cao cấp.

"Chúng tôi đã giới thiệu môn thể thao lướt ván buồm cho người Sudan. Sau khi chiếc ván lướt buồm đầu tiên được đưa đến đây, tôi dạy cho du khách vì tôi biết chơi môn này", mật vụ Gad Shimron nói.

Các mật vụ Mossad khác đóng vai hướng dẫn viên lặn chuyên nghiệp. Họ cũng tuyển khoảng 15 nhân viên địa phương, gồm các nhân viên hầu phòng, hầu bàn, một tài xế và một đầu bếp.

"Chúng tôi trả họ lương cao gấp đôi", viên mật vụ Mossad giấu tên kể. Không nhân viên nào biết mục đích thực sự của khu nghỉ dưỡng hay việc những người quản lý họ chính là mật vụ Mossad.

Các nữ mật vụ Mossad có nhiệm vụ điều hành hoạt động hàng ngày của khu nghỉ dưỡng nhằm giảm bớt nghi ngờ. Căn nhà kho cất thiết bị lặn nằm ở địa điểm tách biệt. Đây là nơi giấu bộ đàm mà các mật vụ sử dụng để giữ liên lạc thường xuyên với trụ sở ở thủ đô Tel Aviv.

Trong khi vẫn phải đón khách hàng ngày, thông thường, hàng đêm, một biệt đội Mossad sẽ lặng lẽ rời khỏi khu nghỉ dưỡng Arous để đến một điểm hẹn bí mật. "Chúng tôi sẽ nói với các nhân viên chúng tôi đến thủ đô Khartoum vài ngày hoặc đi gặp các y tá người Thụy Điển ở một bệnh viện tại bang Kassala", Shimron cho biết.

Thực chất, họ đi đón những nhóm người Do Thái gốc Ethiopia vừa được đưa ra khỏi các trại tị nạn bởi một ban hội đồng với thành phần cũng là người Do Thái gốc Ethiopia.

Shimron cho hay những người nằm trong diện giải cứu không được thông báo trước để tránh lộ tin. "Họ thậm chí không biết chúng tôi là người Israel. Chúng tôi nói với họ chúng tôi là những người được thuê làm việc này", Shimron kể.

Gad Shimron cùng một người Israel khác ở Sudan. Ảnh: BBC.

Từ điểm hẹn gặp, đoàn xe tải chở hàng chục người tị nạn nỗ lực vượt nhiều chốt kiểm soát trên quãng đường 800 km bằng cách kết hợp mưu mẹo, đưa hối lộ và đôi khi lái đâm thẳng qua. Lúc nghỉ ngơi, các mật vụ Mossad lại cố gắng trấn an những hành khách đang hoảng sợ.

Khi họ lái đến bãi biển, nằm ở phía bắc khu nghỉ dưỡng, các biệt kích hải quân Israel cũng cập vào bờ bằng thuyền để đón người tị nạn rồi chở họ trong một tiếng rưỡi đến chiếc tàu hải quân INS Bat Galim đợi sẵn giữa biển. Từ đây, con tàu khởi hành đưa họ trở về Israel.

Người Do Thái Ethiopia được vận chuyển bằng thuyền từ bãi biển tới tàu hải quân Israel. Ảnh: BBC.

"Nguy hiểm luôn rình rập. Tất cả đều biết nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị lộ, chúng tôi sẽ bị đưa đầu vào thòng lọng của những giá treo cổ ở trung tâm thủ đô Khartoum, Sudan", viên mật vụ Mossad giấu tên nói.

Họ suýt rơi vào tình cảnh như vậy vào tháng 3/1982, khi điệp vụ giải cứu thứ ba bị các binh sĩ Sudan phát hiện lúc họ đang trên đường vận chuyển người tị nạn ra bãi biển. Nhóm binh sĩ Sudan đã nổ súng bắn cảnh cáo, có thể vì nghi ngờ họ là dân buôn lậu. Song họ đã tìm cách chạy thoát được.

Người Do Thái Ethiopia dùng bữa trên một tàu hải quân Israel. Ảnh: BBC.

Kể từ sau lần suýt bị phát hiện, các mật vụ Mossad nhận thấy giải cứu bằng đường biển quá dễ lộ nên một kế hoạch mới được vạch ra. Nhóm mật vụ được giao nhiệm vụ tìm một bãi đỗ thích hợp trên sa mạc Sudan để những máy bay trực thăng vận tải C130 Hercules Israel đáp xuống và đưa người tị nạn Do Thái gốc Ethiopia rời khỏi Sudan.

Trong lúc đó, những người Israel khác vẫn tiếp tục điều hành khu nghỉ dưỡng lặn biển và phục vụ du khách. Giờ đây, làng Arous đã trở nên nổi tiếng. Khu nghỉ dưỡng phục vụ nguồn khách đa đạng, gồm một đơn vị quân đội Ai Cập, một nhóm đặc nhiệm Anh, các nhà ngoại giao từ Khartoum và các quan chức Sudan. Tất cả đều không biết thân phận thực sự của những người điều hành.

Khu nghỉ dưỡng thành công đến mức kiếm đủ lợi nhuận để tự trang trải tài chính, giảm gánh nặng cho ngân sách của Mossad. Một phần tiền thu về được sử dụng để mua hoặc thuê xe tải chở người tị nạn.

Cuối cùng, kế hoạch vận chuyển người tị nạn bằng đường không đến Israel được tiến hành. Shimron và các cộng sự đã thông báo về tổng hành dinh Mossad cho biết có một sân bay bỏ hoang của Anh từ Thế chiến II cách không xa bờ biển Sudan. Tháng 5/1982, chiếc C130 Hercules đầu tiên chở theo một trung đội Israel đáp xuống đây trong đêm để sơ tán 130 người Do Thái gốc Ethiopia khỏi Sudan.

Một vận tải cơ C130 Hercules của Israel. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, sau hai điệp vụ giải cứu bằng đường không, Mossad phát hiện nhà chức trách Sudan bắt đầu nắm tin tức về hoạt động đáng ngờ này. Nhóm mật vụ Mossad được yêu cầu tìm một bãi đáp khác kín đáo hơn.

Họ tìm thấy một số vị trí khác có thể giúp giảm thời gian chở người tị nạn di chuyển xuống khoảng hai tiếng. Nhưng điểm bất lợi là các địa điểm này không phải sân bay mà chỉ là một khoảng đất trên sa mạc.

"Các dải đất ấy hầu như không có đèn điện. Chúng tôi chỉ có 10 đèn hồng ngoại nhỏ và phi công trên trực thăng C130 Hercules phải tìm kiếm chúng tôi mà không có sự hỗ trợ của hệ thống dẫn đường", viên mật vụ giấu tên kể lại.

Bất chấp điều kiện khó khăn và những hậu quả nghiêm trọng nếu điệp vụ thất bại, 17 chuyến bay bí mật đã được thực hiện nhờ sự phối hợp giữa các mật vụ ở khu nghỉ dưỡng lặn biển Arous.

Đến cuối năm 1984, nạn đói bùng phát ở Sudan, khiến Mossad quyết định đẩy nhanh các điệp vụ sơ tán.

Những người Do Thái Ethiopia trên một chiếc Boeing 707 của không quân Israel khởi hành từ Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, năm 1991. Ảnh: BBC.

Chiến dịch Moses

Nhờ sự can thiệp của Mỹ và chấp nhận chi số tiền lớn cho Sudan, tổng thống Sudan lúc bấy giờ, ông Jaafar Nimeiri, đã đồng ý để người tị nạn Do Thái gốc Ethiopia được bay thẳng từ Khartoum đến châu Âu. Nimeiri cho phép điều này với điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối để tránh sự phản đối từ thế giới Arab.

Với 28 chuyến bay bí mật trên những chiếc Boeing 707 được một chủ hãng hàng không người Bỉ gốc Do Thái cho mượn, 6.380 người Do Thái gốc Ethiopia đã được đưa đến Brussel, Bỉ, và sau đó bay thẳng về Israel. Điệp vụ giải cứu trên có mật danh Moses.

Tuy nhiên, điệp vụ cuối cùng bị rò rỉ cho báo chí bởi Cơ quan Do Thái (Jewish Agency), một tổ chức phi chính phủ lớn nhất đại diện cho người Do Thái.

Báo chí quốc tế đăng tải câu chuyện về điệp vụ vào ngày 1/5/1985 và chính phủ Sudan lập tức dừng các chuyến bay sơ tán người tị nạn Do Thái gốc Ethiopia. Sudan bác bỏ mọi mối liên quan đến điệp vụ.

Gad Shimron ngày nay. Ảnh: Raffi Berg.

Các mật vụ Mossad tiếp tục điều hành khu nghỉ dưỡng Arous để bí mật sử dụng nó cho các điệp vụ trong tương lai. Tuy nhiên khi ấy, tình hình Sudan có nhiều biến động. Vào ngày 6/4/1985, tướng Nimeiri bị các sĩ quan quân đội lật đổ. Những sự kiện biến động đột ngột khiến các mật vụ Mossad ở làng Arous rơi vào tình thế nguy hiểm.

Chính quyền quân sự mới của Sudan chuyển hướng tập trung vào việc truy quét các mật vụ Mossad để lấy lại tín nhiệm từ thế giới Arab. Giám đốc Mossad đã ra lệnh các mật vụ thu dọn khỏi khu nghỉ dưỡng làng Arous. Khu nghỉ dưỡng Arous đóng cửa khi các chủ nhân đột nhiên bỏ đi.

492 người Do Thái gốc Ethiopia đã bị kẹt tại Sudan do chiến dịch Moses đột ngột dừng lại, nhưng nhờ sự can thiệp của phó tổng thống Mỹ thời ấy George Bush, hai tháng sau, một chuyến bay khác được điều động để đưa họ đến Israel an toàn.

Trong 5 năm tiếp theo, nhiều điệp vụ giải cứu được tiến hành, đưa tổng cộng gần 18.000 người Do Thái gốc Ethiopia đến Israel bắt đầu cuộc sống mới.

Hồng Vân