Cách thủ đô Manila không xa, nhà tù Quezon City nằm trên ở một khu vực khá khiêm tốn đối diện thư viện thành phố Quezon và gần một đồn cảnh sát.
Hơn 4.000 tù nhân chen chúc trong khu phức hợp cũ kỹ và bẩn thỉu rộng gần 2.800 m2, biến nó trở thành một trong những nơi có mật độ cao nhất Philippines và con số này vẫn đang không ngừng tăng lên.
Theo CNN, nhà tù Quezon được xây dựng vào năm 1953 với khoảng không gian vốn chỉ dành cho 800 người. Liên Hợp Quốc cho rằng cơ sở này chỉ nên giam giữ không quá 278 người.
Tuy nhiên, đầu năm nay, có gần 3.600 tù nhân bị giam giữ tại đây. Chỉ trong vòng 7 tuần kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức và giao nhiệm vụ trấn áp tội phạm ma túy cho ông Ronald Dela Rosa, giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines, số lượng tù nhân thậm chí nhảy vọt lên hơn 4.053 người.
Mọi khoảng không gian đều chật cứng những tù nhân áo vàng. 60% số người vào đây phạm các tội danh liên quan tới ma túy. Ngày nào cũng như ngày nào, họ giành giật từng chỗ ngồi, chỗ ngủ giữa cái oi bức của Philippines.
Một ngày của họ bắt đầu bằng việc thức dậy lúc 5h sáng và điểm danh, công việc không hề dễ dàng khi số lượng tù nhân đã trở nên quá tải.
Alex Beltran, một lao động 29 tuổi, mới đến đây được một tháng và cho rằng chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của ông Duterte đã khiến anh phải ngồi tù.
"Đồ ăn rất kinh khủng", Beltran nói. "Và rất khó để tìm được một chỗ ngủ, nhất là khi trời mưa". Cuộc sống trong tù "càng khó khăn hơn với những tù nhân mới", anh nói.
Trong ký túc xá, các tù nhân dùng những vật dụng riêng của mình như những chiếc khăn tắm, rèm cửa đã sờn rách hay thậm chí cả những miếng gỗ dán sứt mẻ, để giữ chỗ ngủ. Nhưng đôi khi, chúng cũng không giúp được gì trong một không gian chật chội như thế.
Mỗi phòng giam 18 m2 có 85 tù nhân chung sống. Một phòng giam khác nhỉnh hơn giam giữ tới 131 người dù được thiết kế cho 30 người.
Những chiếc giường được xếp chồng lên nhau cao ít nhất 3 tầng và các tù nhân phải bò xuống bên dưới gầm giường để tìm một chỗ ngủ. Có người ngủ ở chiếc võng mắc trên trần nhà.
Nhiều tù nhân đủ điều kiện để về nhà nhưng lại không có khả năng đóng tiền bảo lãnh với mức phí 4.000 đến 6.000 peso (90 - 130 USD), theo Joey Doguiles, giám sát viên cấp cao, giám đốc hoạt động của nhà tù.
Một quan chức cảnh sát hàng đầu cho hay số tội phạm ma túy quá lớn, đến mức chính quyền không kịp mở rộng nhà tù.
Đằng đẵng ở tù
Bên ngoài nhà tù, khoảng 700 người thân của tù nhân kiên nhẫn chờ đợi trong không khí buổi sáng tĩnh mịch để được gặp anh chị em, chồng con của mình. Họ phải chờ đến vài giờ trước khi hòa vào đám đông nhốn nháo bên trong nhà tù. Một bảo vệ cho hay nhà tù không có phòng thăm hỏi riêng. Người đến thăm lẫn lộn với các tù nhân và chỉ được đóng dấu bằng mực để phân biệt.
Giới chức kiểm tra những người ra vào nhà tù khá gắt gao nhưng giữa tình cảnh đông đúc trên, ma túy hay những mặt hàng cấm vẫn tìm được đường vào bên trong. Loại ma túy chính ở đây và phổ biến khắp Philippines là shabu, tên địa phương của ma túy đá.
Cứ 6 ngày một tuần, Ameena-Tara Jance lại đến thăm chồng. Anh này đã ở tù 6 năm và chưa biết sẽ ở đây đến bao giờ.
Chồng của Jance vừa trải qua một cơn đột quỵ nhẹ. Trong không khí ngột ngạt ở nhà tù Quezon, một số tù nhân đã ngất xỉu và tử vong. Chồng cô dự kiến sẽ có một buổi điều trần vào tháng 10 tới nhưng cả hai người đều hiểu rằng tình cảnh này chưa thể kết thúc.
"Không hề có công bằng", Jance nói.
Người được xem là "thị trưởng" của khu ký túc xá tầng hai, ông Ramon Go, tù nhân chịu trách nhiệm giám sát và quản lý khoảng 900 bạn tù khác, đã ở đây 16 năm.
Ông là một trong vài người từng được xét xử về tội giết người. Ông ra tòa 2,5 năm trước, sau hơn một thập kỷ chờ đợi, và hiện vẫn chôn chân bên trong những bức tường của nhà tù Quezon, chờ đợi một phán quyết.
Sự chờ đợi đằng đẵng càng tồi tệ hơn khi các tù nhân không biết mình sẽ còn phải sống trong tình cảnh này bao lâu, bởi hệ thống tòa án Philippines làm việc vô cùng chậm chạp. Họ chờ đợi ngày này qua ngày khác, trong khi số người bị bắt giữ vẫn liên tục tăng lên và tiếp tục nỗ lực để giành được một chỗ ngủ trong khu nhà tù chẳng khác gì một chiếc áo đã bục chỉ.
Tuy nhiên, với Romeo Payhoi, 38 tuổi, một tù nhân mới, dù rất sợ phải vào tù, mọi thứ vẫn không quá tệ như anh tưởng tượng, trừ sự đông đúc và thiếu riêng tư.
Payhoi cho hay ở trong tù, anh cảm thấy "an toàn hơn ngoài đường phố", nơi những người như anh có thể bị "cảnh sát giết chết" bất cứ lúc nào.
Xem thêm: Phạm nhân xếp lớp như cá hộp trong nhà tù Philippines
Anh Ngọc