Ismael Villegas, 46 tuổi, đang trong thời gian nghỉ phép, nhưng trông anh không giống đang đi nghỉ chút nào, theo AFP.
Một tuần nay Villegas không tắm, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng trên sàn nhà một câu lạc bộ khỏa thân, thời gian còn lại chủ yếu đi đào xuyên qua đống đổ nát của một tòa nhà sụp trong trận động đất Mexico tuần trước.
Villegas là một "topo", nghĩa là chuột chũi trong tiếng Tây Ban Nha. Đây là từ dùng để chỉ những người cứu hộ tình nguyện, chuyên đào xuyên qua núi sắt thép và bê tông của các tòa nhà bị sập nhằm tìm kiếm người sống sót và đưa họ ra.
Công việc này bắt đầu xuất hiện từ trận động đất năm 1985 khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và san bằng hàng trăm tòa nhà ở thủ đô Mexico City. Một trận động đất tương tự vừa lặp lại hôm 19/9, khiến các tình nguyện viên phải ra tay trong lúc lực lượng cứu hộ khẩn cấp của chính phủ quá tải.
Villegas mới 14 tuổi năm 1985. Anh nhớ lại mình đã say mê theo dõi những thanh niên nam nữ đào xuyên qua đống đổ nát để cứu sống những người mắc kẹt. Những "chuột chũi" thế hệ đầu này đã phát triển một kỹ thuật cứu hộ mới hiệu quả để đưa người khỏi nhà sập.
Họ sẽ chui vào các khoảng trống giữa chỗ sập, đào xuyên qua đống đổ nát của từng tầng, tìm khoảng trống nơi có thể có người sống sót. Cách làm này nhanh hơn và ít tốn kém hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn nhiều so với kỹ thuật cứu hộ quốc tế là đào theo chiều dọc nhà sập, đào từng phần một và ngừng lại thường xuyên để chắc chắn kết cấu đào được vẫn ổn định.
"Họ gọi chúng tôi là chuột chũi bởi đôi khi chúng tôi chẳng có gì ngoài tay", Villegas nói. Anh đội một cái bảo hiểm gắn đèn pha và lắp kính bảo vệ.
Khi trận động đất hôm 19/9 làm rung chuyển Mexico City, Villegas đang ở cách đó 700 km, tại bang miền nam Oaxaca giúp thu dọn thiệt hại do trận động đất hôm 7/9 gây ra.
Ngay lúc mặt đất ngừng rung lắc, anh lập tức ngồi lên xe hơi, chạy nhanh về Mexico City, nơi tin tức không ngừng đưa về các tòa nhà bị sập có người mắc kẹt bên trong.
"Tôi lái nhanh nhất có thể, hết 10 tiếng và tới nơi lúc 2h sáng, nhảy thẳng vào đống đổ nát. Nhóm của tôi đã cứu được 7 người ra ngoài", Villegas kể lại.
Anh vẫn tiếp tục đào ở vị trí tòa nhà 7 tầng trên đại lộ Alvaro Oregon ở quận Roma sụp xuống, đây là một trong những nơi bị phá hủy nặng nề nhất trong thảm họa khiến hơn 330 người thiệt mạng này.
"Chúng tôi ở ngay gần đó, trong một câu lạc bộ khỏa thân có cái cột và quầy bar, có mọi thứ các cô vũ công sử dụng. Họ mời chúng tôi vào ở, cho chúng tôi sử dụng phòng tắm và ngủ trên sàn nhà", anh nói.
Bánh nhiều lớp
Villegas ước tính có khoảng 200 "chuột chũi" ở Mexico. Họ được coi là tình nguyện viên. Khi động đất lớn xảy ra, không chỉ ở Mexico mà còn khắp thế giới, họp lập tức xin nghỉ phép để tới khu vực thiên tai.
Công việc chính của Villegas là làm thợ điện trong hệ thống tàu điện ngầm ở Mexico City. Làm "chuột chũi" đòi hỏi toàn tâm toàn ý với công việc, Villegas nói.
"Tôi không lấy vợ, không sinh con. Tôi nghĩ lý do là vì tôi luôn vội vã chạy tới chỗ gặp nạn, chứ không hề nghĩ mình xấu trai tí nào", anh hài hước nói.
Tuy nhiên, "chuột chũi" là nghề nguy hiểm. Chỉ một sai sót thôi, họ có thể rơi xuống tận đáy hố sụp hay bị đất đá nghiền nát.
"Hiện trường như một chiếc bánh nhiều lớp. Đột nhiên có người kéo lớp cốt đi khiến 6 lớp còn lại sập xuống còn một lớp rưỡi", Luis Garcia, 43 tuổi, một luật sư kiêm tình nguyện viên nói.
"Chỗ đó là biển xi măng, sát thép, gạch vỡ và bùn đất, khiến người ta cảm thấy tuyệt vọng", Pola Diaz Moffitt, người làm việc cùng nhóm với Villegas trong hiệp hội cứu hộ ASM thành lập năm 1985 giải thích.
Bà nhớ lại cảm giác sợ hãi khi lần đầu chui vào đống đổ nát. Cảm giác ấy vẫn hiện hữu tới ngày nay. Diaz năm nay 53 tuổi, là nhân viên xã hội. Bà ước tính đã cứu sống được 25 người trong sự nghiệp của mình.
Không bao giờ bỏ cuộc
Có rất ít hy vọng tìm thấy người sống sót sau trận động đất 7,1 độ. Khi tòa nhà Alvaro Obregon sập, có 132 người bên trong. 29 người được cứu sống trong vài ngày đầu nhưng đến thứ 6 tuần trước, họ chỉ lôi được thi thể ra.
Tuy nhiên, những "chuột chũi" này vẫn không từ bỏ, dù đã không ăn không ngủ hơn một tuần làm việc.
"Chúng tôi đã từng cứu được người từ đống đổ nát sau động đất một tuần, thậm chí lâu hơn", Villegas cho biết.
Hồng Hạnh