Thứ tư, 1/11/2017, 11:52 (GMT+7)

Martina Hingis - đóa hồng nhiều gai của quần vợt thế giới

Lần thứ ba tuyên bố giải nghệ, nhưng "hoa khôi Thụy Sỹ" vẫn gợi lại sự yêu thương và nuối tiếc trên hành trình mà cô đã đi.

Ngày 28/10/2017, một poster với dòng chữ "đôi tay của Hingis" được dán trước cửa sân đấu trong nhà Singapore - nơi chứng kiến trận đấu cuối trong sự nghiệp của huyền thoại người Thụy Sỹ. Cô cùng bạn đánh cặp Chan Yung-jan thua Timea Babos và Andrea Hlavackova tại bán kết WTA Finals.

Ở tuổi 37, Hingis tuyên bố Finals 2017 sẽ là giải cuối cùng trong sự nghiệp của cô - 23 năm kể từ ngày ra mắt tại WTA. Cô gái nhỏ nhắn trong thế giới của những tay vợt đồ sộ cuối cùng có thể nói lời từ biệt trong bình an, theo cách nói của Roger Federer, điều có lúc tưởng như không thể đến với cô.

Từ thần đồng đến thần thoại

Hingis thống trị quần vợt nữ trong những năm cuối thế kỷ 20, là một trong những tay vợt tiếng tăm nhất của WTA. Tên của cô - Martina được bà Melanie Molitor đặt theo tên của huyền thoại Martina Navratilova. Từ đó, câu chuyện của một huyền thoại khác bắt đầu.

Hingis cầm vợt từ năm lên 2 tuổi. Năm 1993, khi lên 12, cô trở thành tay vợt ít tuổi nhất đăng quang một giải trẻ Grand Slam khi vô địch đơn nữ Roland Garros. Hai tuần sau sinh nhật 14 tuổi, cô ra mắt WTA tại Zurich Mở rộng. Kết thúc năm 1994, Hingis đứng 87 thế giới.

Sự nghiệp của Hingis gắn với những kỷ lục liên quan đến từ "trẻ nhất". Năm 1996, khi 15 tuổi 9 tháng, cô vô địch đôi nữ Wimbledon cùng Helena Sukova. Năm 1997, cô trở thành tay vợt trẻ nhất trong thế kỷ 20 vô địch đánh đơn Grand Slam khi vượt qua Mary Pierce ở chung kết Australia Mở rộng lúc 16 tuổi 3 tháng. Tháng 3 năm đó, cô trở thành tay vợt trẻ nhất đứng số một thế giới và đến tháng 7, thành nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử Wimbledon.

Hingis có tổng cộng năm danh hiệu đánh đơn, 13 danh hiệu đôi nữ và bảy danh hiệu đôi nam nữ tại các Grand Slam. Cô là một trong ba người hiếm hoi đồng thời đứng số một thế giới ở nội dung đánh đơn và đánh đôi. Hingis có 209 tuần giữ ngôi số một của WTA. 14/10/2001, cô mất vị trí đó vào tay Jennifer Capriati và không bao giờ lấy lại được.

Chấn thương và giải nghệ

Vào tháng 2/2003, ở tuổi 22, Hingis tuyên bố giải nghệ vì chấn thương mắt cá và những cơn đau dai dẳng. Thông báo của cô gây sốc với người hâm mộ.

Nhưng với sự phát triển của quần vợt hiện đại, sự ra đi của Hingis là điều có thể nhìn thấy từ trước. Hingis là bậc thầy của sự tinh tế - một điều đến cả lãng tử như Federer cũng phải thán phục. Nhưng cô thiếu sức mạnh để có thể tận dụng tài năng kiệt xuất đó trong bối cảnh quần vợt ngày càng nhiều những tay vợt cao hơn, có đôi chân và cánh tay khỏe hơn (Hingis cao 1m70).

Điều tương tự đã và đang diễn ra trong môn golf khi đánh bóng dài trở thành xu thế và các sân đấu ngày càng được kéo dài để phục vụ lối chơi này. Nhưng điều khác biệt là khi các golfer đánh bóng đi, họ không phải nhận lại nó từ chị em nhà Williams.

Vẻ đẹp của những bước di chuyển, sự chính xác và cách tận dụng từng centimet, từng góc sân với một thứ IQ quần vợt rất cao từ Hingis là đối trọng cuối cùng của Venus và Serena trước khi sân đấu tràn ngập những cú đánh từ sâu phần sân bên này sang vạch cuối sân bên kia.

"Bốn hay năm năm trước, các trận đấu chậm hơn. Bạn có nhiều thời gian hơn để nghĩ xem sẽ đánh thế nào. Ngày nay, bạn phải phản ứng nhanh hơn, mọi thứ đều tốc độ hơn... Bạn thậm chí không cần phải nghĩ, cứ đánh trả mạnh nhất có thể để giới hạn thời gian của đối thủ", Hingis nói vào năm 2002.

Hingis đánh chuyên nghiệp từ rất sớm, chinh phục những đỉnh cao khi còn chưa bước sang tuổi 19. Theo Martina Navratilova, cô đã đi theo vết xe đổ của Andrea Jaeger và Tracy Austin khi bắt cơ thể phải chịu áp lực vận động khi chưa hoàn toàn trưởng thành.

Hingis muốn chơi quần vợt là một thú vui, cũng như sở thích cưỡi ngựa của cô, chứ không phải là thứ khiến cơ thể cô chịu áp lực. 

Roland Garros - Bài học và sự tiếc nuối

Một trong những tiếc nuối lớn với Hingis là chưa lần nào chinh phục Roland Garros. Cô từng tới rất gần nó vào năm 1997 và 1999 nhưng đều gục ngã ở chung kết. 

Năm 1997, khi đưa tin về thất bại của Hingis trước Iva Majoli tại Paris, tờ New York Times giật tiêu đề: "Sau tất cả, Hingis cũng là con người". Trong một ngày xuất thần, Majoli đã tạo ra cú sốc và chấm dứt chuỗi 37 trận thắng liên tiếp của đối thủ 16 tuổi đến từ Thụy Sỹ.

Hai năm sau, Hingis có cơ hội làm lại nhưng lần này, sự ngạo mạn đã giết chết hy vọng của cô. Đối đầu với huyền thoại sống Steffi Graf tại chung kết, Hingis đưa ra tuyên bố đầy khiêu khích trước trận: "Steffi từng đạt một số thành công trong quá khứ nhưng bây giờ, quần vợt đã nhanh hơn và đòi hỏi thể trạng cao hơn. Chị ấy đã già, thời của cô ấy đã qua". 

Phát ngôn của Hingis đúng cho đến khi cô chỉ còn cách chiến thắng ba điểm nữa. Steffi Graf lật ngược thế cờ và dạy cho kẻ tự phụ hậu bối một bài học. Hingis bật khóc khi kết thúc giữa những tiếng la ó của khán giả vì hành vi không đẹp trong trận đấu.

Martina Hingis 1-2 Steffi Graf
 
 

Khi thi đấu ở cấp độ trẻ, Grand Slam đầu tiên Hingis giành được là ở Roland Garros và cô thậm chí hai lần đăng quang tại đây trước khi bước sang tuổi 14. Nhưng từ khi gia nhập WTA Tour, vinh quang tại giải Grand Slam duy nhất trên sân đất nện lẩn tránh cô. Cho đến khi giải nghệ, Roland Garros là danh hiệu Grand Slam đánh đơn duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của Hingis.

Vết nhơ doping

Năm 2006, Hingis trở lại WTA Finals. Cô vào tứ kết Australia Mở rộng và chỉ chịu gác vợt trước hạt giống số hai Kim Clijsters. Ở nội dung đôi nam nữ, cô cùng Mahesh Bhupathi đăng quang. Sau đó một tuần, Hingis thắng số bốn thế giới Maria Sharapova ở Pacific Open tại Tokyo. 

Danh hiệu đầu tiên sau khi trở lại của Hingis đến tại Italy Mở rộng khi cô đánh bại Venus Williams ở bán kết và Dinara Safina ở chung kết. Cuối năm 2006, cô giành vé dự WTA Finals và kết thúc năm với vị trí thứ bảy. 

Hingis vào tứ kết Australia Mở rộng và lại thua Clijsters. Sau đó, cô đánh bại Ana Ivanovic ở chung kết Pacific Open. Hingis bị tái phát chấn thương hông và không thể bảo vệ danh hiệu tại Rome. Cô gặp rắc rối với những cơn đau trong thời gian còn lại của mùa giải.

Vào tháng 11/2007, Hingis thông báo cô bị phát hiện dương tính với benzoylecgonine, một chất chuyển hóa của cocaine khi tham dự Wimbledon. Với hàm lượng rất nhỏ được tìm thấy, Hingis kháng cáo nhưng không thành công. Cô bị ủy ban kỷ luật của Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) cấm thi đấu hai năm. Hingis tuyên bố giải nghệ lần thứ hai sau sự kiện này.

Thành công khi đánh đôi cùng Sania Mirza

Năm 2013, sau khi có tên trong Ngôi đền huyền thoại quần vợt, Hingis tuyên bố trở lại thi đấu. Năm 2015, cô giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên tính từ năm 2006 khi sát cánh cùng Leander Paes ở nội dung đôi nam nữ.

Nhưng phải đến khi đánh cặp với tay vợt Sania Mirza, Hingis mới tìm được thành công trong những năm cuối sự nghiệp. Bộ đôi này thắng 20 set liên tiếp khi bắt đầu đánh cùng nhau, vô địch hai giải WTA Premier Mandatory liên tiếp tại Indian Wells và Miami. 

16 tháng sát cánh cùng nhau, Hingis và Mirza giành 14 danh hiệu, trong đó có 3 Grand Slam. Đây là giai đoạn nhiều thành công nhất trong sự nghiệp của Hingis sau thời gian thống trị WTA từ 1997 đến 1999.

Tháng 8/2016, Hingis chia tay Mirza rồi chuyển sang đánh cặp cùng tay vợt Đài Loan Chan Yung-jan vào đầu năm 2017. Bộ đôi này lên số một thế giới vào ngày 2/10 và giữ vị trí cho đến khi Hingis tuyên bố gác vợt lần thứ ba sau khi WTA Finals 2017 kết thúc.

Đời tư sóng gió

Cuộc sống bên ngoài sân đấu của Hingis được báo chí khai thác không kém phong độ của cô trên sân. "Hoa khôi Thụy Sỹ" cặp với nhiều người nổi tiếng trong đó có golfer Sergio Garcia, tay vợt Radek Stepanek và cầu thủ Sol Campbell.

Chuyện Hingis thay người tình như thay áo là một đề tài được bàn tán. Cô bị xem là "góa phụ đen" vì hễ cứ cặp với ai là người đó gặp vận rủi. Magnus Norman, Julian Alonso và Justin Gimelstob là những tay vợt dính chấn thương và phải giải nghệ sau khi hẹn hò cùng Hingis.

Năm 2010, Hingis kết hôn với VĐV đua ngựa Thibault Hutin. Ba năm sau, cô thông báo hai người đường ai nấy đi. Sau tuyên bố này của Hingis, Hutin - trong vai người chồng đau khổ lên báo vạch tội ngoại tình của tay vợt Thụy Sỹ.

Hutin nói rằng: "Martina có một góc nhìn rất cá nhân về đạo đức. Cô ấy luôn như thế, luôn không chung thủy với bạn trai". Hutin tiết lộ bắt quả tang Hingis đang ở cùng phòng với người đàn ông khác dù đã hẹn gặp anh ở New York. 

Người chồng 26 khi ấy cũng tiết lộ rằng anh đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ nhưng lại phát hiện Hingis ngoại tình lần nữa. Câu chuyện này được Hutin công khai vài tuần trước sự kiện Hingis nhận vinh dự có tên trong Ngôi đền của các huyền thoại quần vợt. Tay vợt Thụy Sỹ chọn cách im lặng trước bê bối này.

Martina Hingis giành tổng cộng 43 danh hiệu đánh đơn (đứng thứ 10 trong số các tay vợt nữ ở kỷ nguyên Mở rộng) và 64 danh hiệu đánh đôi trong suốt sự nghiệp. Cô đứng thứ năm trong danh sách các tay vợt giữ ngôi số một lâu nhất và cùng với Martina Navratilova, là hai người từng giữ đỉnh bảng WTA ở cả nội dung đánh đơn và đánh đôi trên 70 tuần.

Khi nhắc đến sự nghiệp đầy vinh quang của Hingis, không ít người tỏ ra tiếc nuối, cho rằng cô có thể gặt hái nhiều thành công hơn. Một số người nghiêm khắc cho rằng Hingis đã lãng phí tài năng, trở thành một bông hoa sớm nở chóng tàn.

Nhưng một điều không ai có thể có thể phủ nhận, Hingis là một quái kiệt của làng banh nỉ và rất lâu nữa quần vợt mới có thể chứng kiến một ngôi sao trẻ khuynh đảo các đấu trường cũng như trình diễn một nét đẹp thông minh, tinh tế như thế trên sân.

Di Khánh tổng hợp