Thứ bảy, 20/10/2018, 08:45 (GMT+7)

Nữ cơ trưởng Vietjet: 'Áp lực của tôi cao hơn đồng nghiệp nam'

Nguyễn Phương Anh chú ý từ tác phong đến hành động để gây dựng sự tin tưởng của đồng nghiệp nam, từ đó phối hợp tốt trong các chuyến bay.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Nguyễn Phương Anh - nữ cơ trưởng xinh đẹp của hãng hàng không Vietjet chia sẻ về cuộc sống cá nhân và quá trình khổ luyện để chạm đến ước mơ ngồi trên khoang lái chinh phục bầu trời.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề phi công?

- Tôi từng làm tiếp viên hàng không 7 năm. Những năm tháng theo đuổi giấc mơ bay, được đi nhiều nơi trên thế giới, nhìn hình ảnh các đồng nghiệp nam phi công quyền uy trong bộ đồng phục bay, trong tôi dấy lên niềm mơ ước một ngày nào đó cũng sẽ được mặc bộ đồng phục ấy và ngồi trên khoang lái ấy trước ánh mắt ngưỡng mộ của hành khách.

Rồi cơ hội đã đến. Tôi quyết tâm, xách vali sang Mỹ học bay thực hiện ước mơ của mình.

Ước mơ chinh phục bầu trời của Nguyễn Phương Anh thành hiện thực sau nhiều năm nỗ lực học tập, rèn luyện.

- Cảm xúc của chị khi lần đầu lái máy bay?

- Với hầu hết phi công, chuyến bay đơn đầu tiên trong đời là kỷ niệm khó quên. Tôi cũng vậy. Trong quá trình đào tạo để trở thành phi công cơ bản, có bài bắt buộc là mình phải tự điều khiển chiếc máy bay huấn luyện cơ bản cất - hạ cánh 3 lần. Đây là bài khó, đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm và nắm vững các kiến thức mà mình được học.

Bạn bè cùng khóa, lần lượt hết người này đến người khác thi xong bài thi ấy trong sự chờ đợi và hồi hộp của mình. Mùa mưa gió, thời tiết xấu chuẩn bị đến với bao áp lực. Nhiều đêm tự mình nén nước mắt và quyết tâm. Đến khi được ngồi trên chiếc máy bay ấy, một mình mình, tự tay cất hạ cánh 3 lần, mọi cảm xúc như vỡ òa... Khi máy bay lăn vào bãi đỗ, tôi đã ôm chầm thầy của mình và khóc.

Trường của tôi có phong tục ai thực hiện bài bay này xong sẽ được giáo viên dội nước lên người. Nhưng Phương Anh thì nhảy xuống hồ bơi của trường luôn vì quá hạnh phúc.

Ngồi trên khoang lái máy bay thương mại chở theo hàng trăm hành khách với mỗi phi công là trách nhiệm lớn lao xen lẫn tự hào. Đó là những khoảng thời gian đẹp nhất, đáng nhớ nhất của mình khi bắt đầu nghề phi công.

- Quá trình tập luyện để trở thành phi công như thế nào, đặc biệt với nữ giới?

- Đối với nam hay nữ thì đây cũng là công việc đầy trách nhiệm và thử thách. Là một nữ phi công, nó càng khó khăn bội phần trước áp lực của công việc chinh phục bầu trời. Từ kiến thức, kỹ năng cơ bản đến nâng cao để điều khiển thành thục chiếc máy bay thương mại, tôi đã phải trải qua nhiều mồ hôi, nước mắt và những đêm không ngủ. Tôi đã phải tự rèn luyện và phấn đấu không ngừng để nâng cao tay nghề và chứng minh bản thân trước các đồng nghiệp nam.

Cô dâu phi công hạnh phúc trong bộ ảnh cưới độc đáo thực hiện tại sân bay.

- Để trở thành cơ trưởng, chị đã trải qua quá trình khổ luyện ra sao?

- Sau khi tốt nghiệp, tôi được Hãng Hàng không Vietjet nhận vào làm cơ phó từ năm 2014. May mắn cho tôi, đây là nơi có nhiều cơ hội được đào tạo và thăng tiến cho nhân viên, nhất là các phi công. Tôi đã liên tục học tập và phấn đấu để trau dồi đạo đức, kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm làm việc. Sau 4 năm làm việc miệt mài, phấn đấu và học tập không ngừng nghỉ, cùng với sự dìu dắt của các thầy của mình, tôi đã thành công trong việc chinh phục chiếc ghế trái quyền lực - cơ trưởng trên các chuyến bay của hãng.

Vì là phi công nữ, nên áp lực trong tôi thường cao hơn so với các đồng nghiệp nam. Vì thế, tôi nhắc mình phải cố gắng hơn rất nhiều. Từ tư cách, tác phong đến hành động, các chi tiết đều được chú trọng để các đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp nam tin tưởng và phối hợp tốt trong mỗi chuyến bay.

- Cuộc sống của nữ phi công mang lại cho chị những trải nghiệm gì?

- Đặc thù của ngành hàng không là không phân biệt thời gian, tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào thời gian cất hạ cánh của mỗi chuyến bay. Nghề nghiệp mang đến cho tôi hạnh phúc cá nhân. Tôi kết hôn 3 năm trước. Chồng tôi cũng là cơ trưởng của Vietjet. Chúng tôi có một bé trai hơn 2 tuổi, sớm thể hiện niềm ham thích với máy bay.

Là phụ nữ, tôi lại càng phải sắp xếp chi tiết, chu đáo thời gian biểu của mình, để vừa có thể hoàn thành tốt nhất công việc, vừa chăm sóc cho gia đình. Tôi nấu ăn khá. Những khi có thời gian hiếm hoi rảnh rỗi, tôi sắp xếp nấu nướng, tổ chức những buổi tiệc nhỏ cho gia đình mình. Khi vợ chồng cùng đi bay thì nhờ ông bà chăm sóc bé.

Trong mỗi dịp lễ Tết, đối với người phụ nữ, gia đình là nơi họ gắn kết. Nhưng với những người làm trong ngành hàng không thì thời gian đó lại là các chuyến bay không ngừng nghỉ, mang đến niềm vui, đưa hành khách về đoàn tụ với gia đình họ.

Là nữ cơ trưởng, tôi không muốn nhận bất cứ sự ưu ái nào so với đồng nghiệp nam. Nhờ có môi trường làm việc tốt và gia đình ủng hộ, tôi yên tâm trong công tác và hoàn thành tốt trách nhiệm của một người nữ cơ trưởng.

Bảo An