Các nhà nghiên cứu tại Đại học Vật lý phẫu thuật Columbia và Viện tâm lý New York đã theo dõi 540 đứa trẻ trong 20 năm từ năm 1975. Chúng cùng cha mẹ được phỏng vấn trong các năm 1983, 1985, 1986 và 1991, 1993.
Đến năm 1999, những đứa trẻ đã lớn được yêu cầu trả lời một bản câu hỏi về các biến động trong cuộc sống, công việc, lịch sử hành vi và các mối quan hệ bạo lực.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy một khi thái độ bạo lực được hình thành thì rất khó thay đổi. Khi đứa trẻ bị cha mẹ đánh, chúng sẽ thấy rằng bạo lực là một cách để giải quyết vấn đề khi trở thành người lớn. Nhưng việc chứng kiến bạo lực lặp lại thường xuyên giữa bố mẹ là nguy cơ lớn nhất đẩy chúng vào các mối quan hệ thô bạo khi trưởng thành. Không chỉ nam giới mà cả nữ giới đều có thể là người gây chiến trong gia đình, nếu phải chứng kiến cảnh ngược đãi từ bé.
Theo các nhà nghiên cứu, cần phải phát triển những chương trình giúp trẻ em điều chỉnh hành vi từ bé để ngăn chặn xu hướng bạo lực sau này. Các gia đình cũng cần giúp đỡ con em mình từ nhỏ để phá vỡ vòng luẩn quẩn.
"Nếu có một lời khuyên cho cha mẹ thì đó là: đừng bao giờ thượng cẳng chân hạ cẳng tay trước mặt con em mình", giáo sư Terrie Moffitt tại Viện tâm lý London, Anh, cảnh báo.
Minh Thi (theo BBC)