Thứ hai, 19/3/2018, 11:26 (GMT+7)

Roberto Firmino - nụ cười của kẻ bị khước từ

Từ một cậu bé khóc nức nở vì bị từ chối nhập cảnh vào châu Âu chín năm trước, bây giờ Firmino là trụ cột của Liverpool và tuyển Brazil.

Quá khứ bị từ chối nhập cảnh vào châu Âu năm nào là động lực giúp Firmino bay vút cao trên bầu trời bóng đá. 

Với người Brazil tìm cơ hội sinh sống tại châu Âu đầu những năm 2000, còn cái sân bay nào đáng sợ hơn Barajas? Cách trung tâm thành phố Madrid chỉ 15 phút lái xe, Barajas là sân bay đông đúc nhất ở Tây Ban Nha. Ở đó, hàng ngàn giấc mơ châu Âu của dân tứ chiếng bị vùi dập ngay trước khi khởi đầu.

Người Brazil bị từ chối nhập cảnh nhiều nhất. Số dấu mộc khước từ nhiều đến mức chính phủ Brazil cảm thấy họ bị xúc phạm. Lúc này, câu chuyện nhập cảnh đã ảnh hưởng đến cả ngoại giao. Sau khi hội họp, Brazil quyết định sửa luật, siết lại luôn quy định nhập cư của người Tây Ban Nha vào Brazil.

Theo các báo cáo chính thống, chỉ riêng trong năm 2009, đã có 1.902 người Brazil bị cấm nhập cảnh tại Barajas. Trong số những người thất vọng não nề ấy, có một thanh niên 17 tuổi đang ôm mộng trở thành ngôi sao bóng đá tại châu Âu. Nhìn con dấu lạnh lùng từ chối, cậu bật khóc, và khóc suốt nhiều tiếng sau đó. Trong cái phòng chật ních những người bị từ khước, ai mà không cảm thấy buồn. Nhưng thấy chàng thanh niên khóc nức nở, tự nhiên họ thấy nỗi buồn của mình chẳng thấm vào đâu.

Firmino thời mới thi đấu chuyên nghiệp cho Figueirense tại Brazil. 

Mà chàng trai ấy có muốn ở lại Madrid đâu. Cậu từ Brazil đến đây, quá cảnh một chút rồi đáp chuyến bay tiếp theo đến Marseille. Nhưng thà từ chối nhầm còn hơn bỏ sót, nhân viên công vụ từ chối cậu thẳng cẳng, mời vào phòng chờ, để chuẩn bị lên chuyến bay trở lại Sao Paulo.

Chàng trai năm ấy chính là Roberto Firmino.

Chín năm sau, Firmino đang là ngôi sao của Liverpool và sẽ cùng đội tuyển Brazil chinh phục World Cup tại Nga mùa hè tới đây. HLV Juergen Klopp gọi anh là “một cầu thủ đẳng cấp thế giới, và hay hơn từng ngày”.

Nếu không bị từ khước ở Barajas năm nào, có lẽ sự nghiệp của Firmino đã rẽ sang một chiều hướng khác. Bởi nếu cuộc đời mỗi con người là một thước phim, không có ai viết kịch bản hay hơn số phận.

Firmino bước ra ánh sáng lần đầu tiên vào năm 2009, trong màu áo của CLB Figueirense kém danh tiếng tại giải hạng Nhì Brazil. Anh lập tức thu hút sự chú ý của các CLB châu Âu. Arsenal là một trong số đó. Từng mua thành công hậu vệ trái Pedro Botelho của Figueirense trước đó, Arsenal hy vọng có thể chốt nhanh với Firmino.

Nhưng họ đã chậm hơn Marseille một bước. CLB Pháp đưa ra đề nghị chính thức sớm nhất và mời Firmino sang thử việc. Với hầu hết người Brazil, muốn sang Pháp thì phải quá cảnh tại Tây Ban Nha. Figueirense suy nghĩ thật lạc quan: lá thư mời chính thức từ Marseille là đủ để Firmino được các nhân viên nhập cảnh cho qua. Nhưng thực tế chẳng dễ dàng như thế.

Không nản sau hai lần đầu lận đận với giấc mộng sang châu Âu, Firmino tỏa sáng ở Figueirense và lọt vào mắt xanh của Hoffenheim. 

Erasmo Damiani, một thành viên trong Ban lãnh đạo Figueirense ngày ấy, nhớ lại: “Chúng tôi cố giải thích cho các nhân viên nhập cảnh, thậm chí còn xin họ cho dùng máy fax để nhờ Marseille gửi thêm một lá thư đảm bảo. Nhưng tất cả đều vô dụng”.

Và trong giây phút ấy, Firmino thật sự tuyệt vọng. Gia đình đang cách xa cậu hơn 12.000 kilomet, cậu thì đang kẹt giữa sân bay Madrid mà không biết lấy một chữ Tây Ban Nha. Damiani nói: "Roberto gọi cho mẹ cậu ta ở Maceio (một thành phố ở đông bắc Brazil) trong nước mắt. Tôi thì liên tục phải gọi đến sân bay Barajas, cố xác nhận cậu ấy là một cầu thủ. Nhưng không một ai buồn nghe tôi cả. Họ nhất quyết phải gửi Roberto trở lại Brazil".

Marcellus Portella cũng bị sốc khi nghe sự việc. Nghề chính là nha sĩ, Portella là người phát hiện ra tài năng của Firmino và tiến cử cậu cho Figueirense. Được gia đình Firmino xem như người thân trong nhà, Portella sau đấy trở thành đại diện của cậu bé. Nghe tin Firmino đang bị kẹt ở Barajas, Portella gọi điện đến trụ sở Figueirense chửi một trận tơi bời. "Điên chứ", ông nói. "Họ ném Roberto đến nơi xa lạ một mình mà không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cho nó".

Tài nghệ của Firmino ơ Figuerense
 
 

Vài ngày sau khi trở lại Brazil, Firmino đến sân tập của Figueirense mà vẫn chưa hoàn hồn. Người ta đã ném cậu vào phòng chờ suốt mấy tiếng đồng hồ, giữa một đám đông xa lạ. Thật lâu sau mới có nhân viên vào, cho cậu quả táo và ít nước lọc.

Một tháng sau, Marseille gửi thư mời lần nữa. Lần này, Firmino đáp chuyến bay đến Paris thay vì Madrid. Charles de Gaulle thân thiện hơn hẳn và rốt cục cậu cũng được đến Marseille. Nhưng đời vẫn muốn trêu đùa chàng trai trẻ. Bởi sau một tháng thử việc, Marseille quyết định sẽ không chi tiền mua lại hợp đồng của Firmino với Figueirense, dù con số chỉ hơn một triệu đôla. Một lần nữa, Firmino phải đáp chuyến bay trở lại Brazil.

Marseille chê không phải vì Firmino kém tài. Nhưng vì anh quá nhút nhát, nên người ta lo Firmino không đá bóng đỉnh cao được. Khi người ta gọi sai tên, cậu cũng chẳng buồn sửa lại vì… ngại. Một tháng thử việc ở Marseille, người ta cứ gọi cậu là Alberto, vì đinh ninh đấy là tên thật của cậu.

Lận đận trong giai đoạn đầu, nhưng Firmino bắt đầu thăng tiến không ngừng nghỉ sau khi gia nhập Hoffenheim. 

Bilu, tiền vệ phòng ngự của Figueirense, thực sự bị sốc trước sự rụt rè của người đồng đội. Bilu nhớ lại: “Có một vị trong Ban lãnh đạo hỏi tôi xem Roberto có bị câm không. Vì chẳng bao giờ thấy cậu ấy nói chuyện với ai cả. Khi đá, cậu ấy cũng không buồn xin bóng ”.

Không nói chuyện, nhưng luôn mỉm cười. Đấy là lý do Firmino vẫn gây được thiện cảm. Damiani nhớ lại: “Ngay cả khi tôi bảo tháng này không có lương đâu nhé, cậu ấy cũng chỉ cười. Đấy là một cậu bé rất kiệm lời, nhưng thừa niềm vui”.

Firmino ít nói, có vẻ vì anh thích “nói chuyện” trên sân cỏ hơn. Trong buổi tập đầu tiên cùng với Figueirense, Firmino chỉ mất 30 phút để lập cú đúp, sau hai cú tung người móc bóng. Năm 2010, cậu được chọn là cầu thủ triển vọng nhất tại giải hạng Nhì Brazil. Một năm sau, giấc mơ sang châu Âu rốt cục cũng thành hiện thực khi Firmino được Hoffenheim chiêu mộ với giá năm triệu đôla.

Salah ghi bàn nhiều nhất, nhưng Firmino mới là nhân vật then chốt trong lối chơi tấn công của Liverpool hiện tại. 

Và từ ấy là một hành trình vươn lên không ngừng. Tháng 7/2015, anh chuyển sang Liverpool với giá 45,6 triệu đôla. 22 bàn và 10 pha kiến tạo mùa này giúp các CĐV Liverpool không hề cảm thấy nhớ sự vắng mặt của Philippe Coutinho, cầu thủ đồng hương đã chuyển sang Barca hồi tháng 1. Dù Mohamed Salah đang là chân sút chủ lực của "The Kop", nhưng các nhà chuyên môn đều tán đồng: Firmino mới là nhân tố quan trọng nhất trong triết lý tấn công của Juergen Klopp.

Firmino của hôm nay đã sống động hơn rất nhiều so với cái thuở bị Madrid từ khước ngày trước. Anh có thêm nhiều hình xăm, mừng bàn thắng ấn tượng hơn, dám biểu diễn trên sân. Nhưng ngoài đời, Firmino vẫn là một người kín tiếng, tránh xa đám đông lẫn truyền thông.

Không xuất hiện nhiều trên báo, Firmino vẫn chưa được đánh giá đúng với khả năng. Nhưng anh cũng không ưu phiền vì điều đó. Vì Firmino chỉ cần các HLV Klopp và Tite tin anh là đủ. Trong danh sách cầu thủ chắc suất đến Nga vào mùa hè tới của tuyển Brazil, Firmino tất nhiên chiếm một suất. Tite nói trên tờ O'Globo tháng trước: "Cậu ấy có thể đá cặp với Gabriel Jesus. Cũng có thể đá như một số 10".

Firmino chưa có được sự thừa nhận xứng đáng ở quê nhà, vì trái với các ngôi sao Brazil đã thành danh trước đó, anh chưa từng chơi bóng ở giải vô địch quốc gia Brazil. Từ giải hạng Nhì, anh đi thẳng sang châu Âu với một lời hứa với mẹ: “Con sẽ chỉ trở về khi đã thành danh”. 

Pha đánh gót ghi bàn ngẫu hứng vào lưới Watford cuối tuần qua là bằng chứng mới nhất cho tài năng của Firmino. Ảnh: Reuters.

Và nếu như việc bị sân bay Barajas khước từ không thể đánh gục cậu, sự thờ ơ của truyền thông nước nhà nào có nghĩa lý gì. Chín năm sau những giọt nước mắt tuyệt vọng, Firmino đã là ngôi sao tại nước Anh, là niềm hy vọng của Brazil ở World Cup. Còn thử thách nào mà cậu ngán nữa đâu.

Firmino luôn biết cách mỉm cười, và khi ghi bàn thì quay đầu lại, để xem anh đã bỏ lại những gì sau lưng.

Hoài Thương (theo Bleacher Report)